Sáng 23-11, Quốc hội (QH) thảo luận về dự án Luật BHXH sửa đổi. Nội dung về phương án rút BHXH một lần tại điểm đ khoản 1 điều 70, đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của đại biểu (ĐB) QH.
"Phần lớn công nhân chọn phương án 1"
Tờ trình của Chính phủ đưa ra 2 phương án. Phương án 1 giữ quy định hiện hành, cho rút đối với người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực; đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận một lần, trừ các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Phương án 2 là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Theo ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, NLĐ cho rằng đây là quyền lợi gắn liền với quá trình lao động cống hiến, là tích lũy cá nhân; vì vậy NLĐ phải được quyền quyết định đối với tài sản của họ, bất cứ điều chỉnh nào đối với chính sách này tại thời điểm hiện tại sẽ gây tâm lý hoang mang cho NLĐ. "Thực tiễn đã cho thấy phản ứng quyết liệt của NLĐ khu vực phía Nam đối với điều 60 Luật BHXH năm 2014 khi QH khóa XIII thông qua, vì vậy chúng ta phải sửa đổi điều 60 này ngay sau đó" - nữ ĐB TP HCM nói.
Dẫn thực tế khi tổ chức tiếp xúc cử tri, bà Thúy cho biết phần lớn ý kiến của công nhân cũng như cán bộ Công đoàn tại các doanh nghiệp (DN) ở TP HCM tha thiết đề nghị QH lựa chọn phương án 1. "Đây là phương án tương đối hài hòa, bảo đảm quyền được rút một lần đối với người đang tham gia đóng quỹ BHXH, có thể bảo đảm ổn định quan hệ lao động khi luật có hiệu lực thi hành" - ĐB Thúy cho hay.
Theo nhận định của ĐB Thúy, khi lựa chọn phương án 1, có thể sẽ có một làn sóng nghỉ việc, xin rút BHXH một lần ngay sau khi QH bấm nút thông qua luật này, nhưng nhóm lao động mới tham gia BHXH sau năm 2025 sẽ duy trì sự tham gia của mình đến cuối dòng đời lao động, bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của trung ương, tăng dần mức bao phủ lương hưu trí đến năm 2030 cho người trong độ tuổi nghỉ hưu là 60%.
"Thực tiễn cho thấy không một chính sách nào làm hài lòng được tất cả đối tượng liên quan, do đó nếu muốn hạ năm đóng tối thiểu xuống 15 năm như dự thảo luật thì đồng thời cần phải chấm dứt quy định rút BHXH một lần nhưng không làm ảnh hưởng nhiều đến ổn định quan hệ lao động" - bà Thúy nêu quan điểm.
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị nên quy định theo hướng NLĐ được lựa chọn hưởng BHXH một lần. Những trường hợp khi hưởng BHXH một lần thì NLĐ chỉ được rút phần mình đóng, còn phần người sử dụng lao động đóng thì được nhà nước bảo lưu để họ tiếp tục đóng hoặc họ hưởng khi hết tuổi lao động. ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm NLĐ rút BHXH một lần, song phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút.
Người lao động làm thủ tục hưởng BHXH một lần tại BHXH quận 12, TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Khấu trừ nợ BHXH tại tài khoản ngân hàng
ĐB Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dẫn số liệu thống kê cho biết số tiền các đơn vị trốn, chậm đóng BHXH giai đoạn 2016-2022 là khoảng 10.000 tỉ đồng mỗi năm. Cả nước có 198.000 DN, đơn vị chậm đóng BHXH. NLĐ bị chậm đóng BHXH trong năm 2022 đã lên đến 2,6 triệu người, trong đó 2.500 tỉ đồng khó có khả năng thu hồi do DN giải thể, phá sản hoặc chủ DN trốn ra nước ngoài.
Theo bà Thủy, điều 37 dự thảo luật đề xuất hoãn xuất cảnh đối với chủ DN chậm đóng BHXH bắt buộc trong 12 tháng "là mâu thuẫn với quy định hiện hành". Bộ Luật Hình sự quy định người có hành vi chậm đóng từ 6 tháng trở lên, kèm một số dấu hiệu là cấu thành tội trốn đóng BHXH. Vì vậy, bà đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải trình nội dung này để phù hợp quy định Bộ Luật Hình sự.
Bên cạnh đó, quyền khởi kiện của Công đoàn đối với DN trốn đóng BHXH đang chịu điều chỉnh của 4 luật là Luật BHXH, Luật Công đoàn, Bộ Luật Tố tụng dân sự và Bộ Luật Lao động. Các luật này chưa thống nhất về quyền và trách nhiệm của Công đoàn khi có luật giao cho Công đoàn, có luật lại giao cho Công đoàn cơ sở quyền khởi kiện. Theo nữ ĐB, nếu giao Công đoàn cơ sở khởi kiện với hành vi trốn đóng BHXH thì sẽ không tránh khỏi tâm lý e ngại vì cán bộ Công đoàn cơ sở hưởng lương từ DN.
Ngoài ra, Công đoàn đứng ra khởi kiện phải có sự ủy quyền của từng NLĐ, quy định này sẽ không khả thi với DN có hàng ngàn lao động. Vì vậy, bà Thủy đề nghị giao cho Công đoàn các cấp có quyền đứng ra khởi kiện chứ không chỉ là Công đoàn cơ sở như hiện nay. Nếu Công đoàn đứng ra khởi kiện thì không cần phải có ủy quyền của NLĐ, bởi theo quy định của điều 10 Hiến pháp, Công đoàn là đại diện đương nhiên của NLĐ.
Trong khi đó, Phó Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Ma Thị Thúy nêu thực trạng trốn, chậm, nợ đọng BHXH kéo dài thời gian qua đã gây bức xúc và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ. Theo nữ ĐB, nhiều nước trên thế giới quy định cơ quan thuế thực hiện luôn nhiệm vụ thu BHXH bắt buộc, sau đó chuyển về cho cơ quan BHXH. Hành vi trốn, chậm, nợ BHXH được xử lý hình sự như pháp luật quản lý thuế nên không có tình trạng chây ì, trốn, chậm đóng kéo dài.
ĐB Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung chế tài khấu trừ tiền nợ BHXH tại tài khoản ngân hàng của người sử dụng lao động nếu cố tình chây ì khi đã được cơ quan có thẩm quyền thông báo, đôn đốc trong 3 tháng.
Khó có phương án tối ưu
Giải trình thêm về vấn đề rút BHXH một lần, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động. Theo Bộ trưởng, để đưa ra phương án BHXH một lần cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản: Đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH vẫn có quyền được rút BHXH và phải phấn đấu để giữ chân NLĐ trong hệ thống bảo đảm an sinh xã hội khi về già có lương hưu. Tuy nhiên, hiện tại khó có thể đưa ra một phương án tối ưu hay phương án chỉ có ưu điểm, thay vào đó sẽ đi theo phương án tiếp tục đề xuất, hoặc chọn phương án nhiều ưu điểm hơn. "Việc hưởng BHXH sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo hướng NLĐ có quyền rút BHXH - không phân biệt người đóng trước hay đóng sau sau khi luật này có hiệu lực" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
. Ông NGUYỄN ĐẮC THỜI, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM):
Cải thiện chế độ hưu trí
Để NLĐ ở lại hệ thống BHXH lâu dài thì cần phải có những chính sách hấp dẫn họ, nhất là cải thiện chế độ hưu trí. Tuy nhiên, các đề xuất sửa đổi lại đi theo hướng giảm số năm đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí nhưng tăng tuổi nghỉ hưu khiến NLĐ càng khó tiếp cận; chưa có chính sách hỗ trợ thiết thực cho NLĐ trong thời gian bảo lưu đóng BHXH hay tạo việc làm cho lao động lớn tuổi... nên thiếu hấp dẫn NLĐ. Thực tế, rất nhiều NLĐ muốn được hưởng lương hưu nhưng tuổi nghề ngắn nên không thể bám trụ lâu dài, đồng thời lương hưu tính cho toàn bộ quá trình nên họ không mặn mà và chọn rút BHXH một lần. Do đó, cần cải thiện chế độ hưu trí để NLĐ thấy được lợi ích khi tham gia BHXH lâu dài.
. Bà LÊ THỊ THỦY, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP HCM):
Đừng để người lao động bất an
Tại công ty tôi, trước đây, khi DN làm ăn thuận lợi, thu nhập ổn định, ban giám đốc đối xử chu đáo với lao động lớn tuổi thì họ sẽ chọn lương hưu. Đó cũng là lý do mà hiện nay tại công ty số đông NLĐ đều đã ngoài 45 tuổi và đủ thời gian đóng BHXH để nhận lương hưu. Tuy nhiên, do dịch bệnh, DN khó khăn kéo dài, thu nhập giảm sút khiến lao động trẻ bất an về việc làm nên họ có xu hướng muốn rút BHXH một lần dù Công đoàn cơ sở đã động viên. Việc làm bấp bênh trong khi chính sách BHXH thay đổi thường xuyên đã khiến NLĐ không an tâm. Vì vậy, tại thời điểm này, phương án 1 sẽ phù hợp hơn.
M.Chi - T.Nga
Bình luận (0)