Hiện nay, chính sách của các doanh nghiệp là trẻ hóa nguồn nhân lực nên chủ yếu sử dụng lao động ở độ tuổi từ 18-23 và chỉ ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn với họ nên việc NLĐ được ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn là rất hiếm hoi. Bên cạnh đó, với xu hướng đa năng hóa, linh hoạt hóa và sự thay đổi cơ cấu công nghệ ngày càng nhiều thì dù NLĐ có được ký tiếp HĐLĐ không xác định thời hạn cũng khó có khả năng đáp ứng với điều kiện sản xuất của DN. Mặt khác, với cường độ làm việc liên tục, ít có thời gian nghỉ ngơi như hiện tại, sức khỏe NLĐ mau giảm sút nên sẽ khó duy trì công việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Công nhân trực tiếp sản xuất không đồng ý tăng tuổi hưu. Ảnh: TRỰC NGÔN
Phần lớn công nhân làm việc ở các nhà máy là lao động nữ, chiếm đến 80%-90%. Với độ tuổi 50 trở lên, họ không thể làm việc với cường độ cao trong tình trạng đứng hoặc ngồi suốt ngày. Ở độ tuổi này, mắt của NLĐ cũng đã mờ nên không thể đáp ứng điều kiện công việc cần độ chính xác, sự nhanh nhẹn và sức khỏe cũng không đủ để làm việc ca đêm với tần suất đổi ca liên tục.
Từ thực tế trên cho thấy hiện nay công việc của NLĐ ở độ tuổi trên 35 là không bền vững và khi đạt đến độ tuổi 50, NLĐ đã không còn đủ sức khỏe để đáp ứng được yêu cầu sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nên việc tăng tuổi hưu đến 60, 62 tuổi là bất hợp lý. Do đó, chúng tôi kiến nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại.
Bình luận (0)