Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam
Trao đổi với phóng viên về những căn cứ để Tổng LĐLĐ Việt Nam đưa ra mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2018 là 13,3%, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết:
Theo quy định tại điều 91 Bộ luật Lao động năm 2012, mức LTT vùng là mức lương thấp nhất trả cho người lao động (NLĐ) làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Để xác định mức LTT vùng phải căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, điều kiện kinh tế xã hội cũng như mức tiền lương trên thị trường lao động.
Thực tế hiện nay, mức LTT vùng mới chỉ đáp ứng được trên 90% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Vì vậy năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị mức tiền LTT vùng năm 2018 tăng 13,3% so với năm 2017. Nếu đề xuất này được chấp nhận, cuộc rượt đuổi giữa tiền LTT và nhu cầu sống tối thiểu trong năm sau sẽ kết thúc. Và lúc đó Hội đồng tiền lương Quốc gia có thể tuyên bố rằng pháp luật về tiền LTT theo theo quy định của Bộ luật Lao động đã được nghiêm chỉnh chấp hành.
Để đưa ra đề xuất trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tính đến nhiều yếu tố. Thứ nhất về mức tăng trưởng kinh tế: 6 tháng đầu năm, mức tăng GDP là 5,73% và theo Nghị quyết của Quốc hội, cả năm tăng 6,7%. Với số liệu mà chúng tôi có được thì bức tranh kinh tế năm 2017 đã có những khởi sắc.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước có trên 61.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 12,4%; 15.379 DN quay trở lại hoạt động, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 76.655 DN. Thứ hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng 4,15%. Theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ số này trong 2017 dự kiến tăng bình quân khoảng 4-5%. Vì vậy, khi tính toán mức tăng tiền LTT vùng phải tính bù mức trượt giá này.
Ngoài ra, từ thực trạng đời sống của công nhân (CN) hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Nghiên cứu, khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc làm, đời sống tại 17 địa phương cho thấy: Có hơn 51% NLĐ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện kham khổ; 12% cho biết thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% NLĐ là có thể tích lũy từ thu nhập. Có 54% NLĐ cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Do đó, tình trạng ngừng việc 5 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh LTT chiếm tỉ lệ khá cao (72/133 cuộc, chiếm 54,1%). Một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như: Dệt may (69 cuộc, chiếm gần 51,8%); giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%). CN muốn đủ sống hầu hết phải làm thêm giờ, tăng ca.
Mức đề xuất tăng 13,3% của Tổng LĐLĐ Việt Nam là một kỳ vọng. Tuy nhiên, khi đưa ra Hội đồng thì các bên phải xem xét cân nhắc, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, cải thiện đời sống cho NLĐ nhưng cũng phải phù hợp với khả năng chi trả của DN để đảm bảo sức cạnh tranh cũng như tạo điều kiện để DN phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng tốc độ tăng tiền LTT vùng của Việt Nam vượt nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Quan điểm của ông về ý kiến này?
Đúng là mức tăng tiền LTT vùng đang có tốc độ tăng cao hơn so với năng suất lao động (NSLĐ) xã hội. Cụ thể, mức tăng LTT vùng các năm qua như sau: Năm 2014 tăng 15,2%; 2015 tăng 14,2%; 2016 tăng 12,4%; 2017 tăng 7,3%. Còn đối với NSLĐ xã hội, bình quân từ năm 2016 đến năm 2020 mức tăng dự kiến khoảng trên 5%; riêng năm 2016 tăng 5,3%.
Tuy nhiên, cần phải nói rõ, NSLĐ xã hội được tính trên cơ sở GDP chia cho tổng số lao động trên 15 tuổi có việc làm. Vì vậy, NSLĐ xã hội phụ thuộc rất nhiều vào cơ cấu kinh tế. Ví dụ, tại Singapore, do công nghiệp chiếm nhiều trong cơ cấu nền kinh tế, nên khi chia GDP cho NLĐ (chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp), NSLĐ sẽ cao; còn tại Việt Nam, lao động khu vực nông thôn còn chiếm nhiều nên NSLĐ sẽ thấp hơn nhiều.
Bên cạnh đó, phải hiểu rằng tiền lương chứ không phải là tiền LTT mới có mối quan hệ trực tiếp, mật thiết với NSLĐ, vì tiền LTT là mức sàn thấp nhất, đảm bảo mức sống tối thiểu cho NLĐ. Không thể vì NSLĐ chưa cao mà bắt nhu cầu sống tối thiểu phải thấp xuống dưới sàn. Theo nghiên cứu của Viện Năng suất Việt Nam, tỉ lệ đóng góp của lao động vào GDP của Việt Nam như sau: Bình quân giai đoạn 2007 - 2011 là 27,07%; giai đoạn 2012 - 2015 là 16,15%. Ngoài ra, do khởi điểm tiền LTT của Việt Nam rất thấp, nên để rút gắn khoảng cách giữa tiền LTT với mức sống tối thiểu buộc chúng ta phải có tốc độ tăng như thế. Và mức độ tăng như thế vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của NLĐ.
Một số ý kiến cho rằng tiền LTT của Việt Nam đang cao hơn so với một số nước trong khu vực?
Đối với tiền LTT, bên cạnh là sàn đáp ứng mức sống tối thiểu, còn phải đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội (KTXH) của mỗi quốc gia. Nước nào có điều kiện KTXH tốt thì mức LTT thường cao hơn những nước có điều kiện KTXH kém phát triển, như Nhật Bản chẳng hạn hiện nay mức LTT của họ là 1.134 USD. Có ý kiến nói rằng tiền LTT vùng của Việt Nam cao hơn một số nước trong khu vực là không chính xác.
LTT của Việt Nam hiện là 131 USD. Theo số liệu chúng tôi nắm bắt được, tiền LTT của Việt Nam trong khu vực chỉ cao hơn 3 nước, đó là Myanmar (87 USD), Indonesia (93 USD) và Parkistan (129 USD). LTT của Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia (140 USD) hay Lào (174 USD). Rõ ràng Việt Nam là một trong những nước có LTT thấp chứ không phải cao.
Hiện giới sử dụng lao động chỉ đề xuất tăng LTT ở mức 5%, trong lúc có hiện tượng DN sa thải NLĐ ở lứa tuổi 35-40. Phải chăng nhiều DN đang có xu hướng đẩy khó khăn, gánh nặng cho NLĐ?
Trong bối cảnh tình hình KTXH của đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, trong lúc đời sống của NLĐ còn gặp rất nhiều khó khăn thì việc đề xuất không tăng LTT vùng hoặc tăng chỉ đảm bảo bù trượt giá quả thực là không phù hợp, không đảm bảo lợi ích hài hòa của NLĐ và DN. Cùng với đó, hiện tượng DN tìm cách thải loại lao động nhiều tuổi để giảm chi phí về tiền lương và BHXH quả thực là đang đẩy gánh nặng bất lợi về phía NLĐ. Điều này không phù hợp với chủ trương xây dựng, phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, cũng như chính sách bảo đảm việc làm bền vững.
Bình luận (0)