“Thật ra thì ở bộ phận của em còn nhiều chuyện tồi tệ nhưng vì em nghĩ ăn cây nào, rào cây nấy; với lại em cũng sợ vạch áo cho người xem lưng thì sẽ ảnh hưởng thành tích thi đua của phòng” - cô em tôi tâm sự. Những chuyện tồi tệ mà cô em kể đúng là ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh công ty. Chẳng hạn như chuyện nhân viên tiếp thị thông đồng với đại lý ăn chặn hàng khuyến mãi của khách, chuyện nhiều nhân viên giữ nguyên giá trong những đợt giảm giá khiến doanh số của công ty giảm vì bán được ít hàng nhưng túi riêng của những nhân viên ấy thì đầy lên vì ăn phần chênh lệch...
Những chuyện này trưởng phòng của em tôi biết nhưng vì họ có cả ê-kíp “ăn chịu” với nhau nên bao che cho nhau. Cô em tôi không cùng phe với họ nên bị tìm đủ mọi cách để đẩy đi. Tuy vậy, mấy năm qua, em vẫn cố chịu đựng vì con còn nhỏ, sợ mất việc thì gia đình sẽ khó khăn. “Chắc em xin nghỉ việc chứ ở lại đây sớm muộn gì em cũng bị hại” - em tôi buồn rầu. Tôi bực mình: “Không báo cáo cũng phải đi mà báo cáo cũng đi, vậy thì sợ gì mà không báo cáo với giám đốc những chuyện tù mù đó?”.
Em tôi vẫn chần chừ không muốn nói nhưng ngày nào cũng tra tấn tôi bằng những cuộc điện thoại có khi kéo dài cả 30 phút. Tôi kiên trì lắng nghe nhưng đến hôm nay thì cũng... phát khùng theo em. Chẳng lẽ cứ để người ta hiếp đáp hoài vậy sao? Tôi quyết định: “Nếu em không dám nói thì để chị dẫn em tới gặp giám đốc. Chứng cứ em có trong tay, người phải lo sợ là trưởng phòng với mấy người ăn bẩn kia chứ không phải em”. Nhưng em tôi vẫn lấn cấn vì “sợ đập bể nồi cơm của người ta”. Tôi bực bội: “Thế nồi cơm của em bị họ hất đổ thì sao không thấy họ lấn cấn? Trong chuyện này, em im lặng là đồng lõa với kẻ xấu. Nghe lời chị đi...”.
Tôi năn nỉ mãi nhưng em tôi vẫn ngại ngần. Riết rồi tôi chẳng biết mình khuyên như thế có đúng hay không...
Bình luận (0)