BHXH Việt Nam cho biết trong năm 2017 đã tiếp tục cắt giảm từ 32 thủ tục hành chính còn 28 thủ tục, cung cấp 14 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4. Nhờ vậy, BHXH Việt Nam xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam năm 2017 trong khối các bộ, cơ quan Trung ương. Cùng với nỗ lực của ngành thuế, Ngân hàng Thế giới cũng đánh giá chỉ số nộp thuế, BHXH của Việt Nam xếp thứ 86/190 (tăng 81 bậc so với năm 2016), góp phần đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 14 bậc so với năm 2016).
Đến hết năm 2017, cả nước đã có 13,83 triệu người tham gia BHXH; 79,9 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 86,4%, vượt 2,1% kế hoạch và khoảng 11,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tổng số thu của ngành đạt khoảng 290.000 tỉ đồng, vượt 1% so với kế hoạch và cũng là mức thu kỷ lục thực hiện từ trước tới nay. Đặc biệt trong năm qua, công tác thanh tra chuyên ngành đã được tăng cường, theo đó đã đưa tỷ lệ nợ BHXH xuống dưới 3% - mức thấp nhất từ trước tới nay, giảm 0,8% so với năm 2016.
Trong năm 2018, chính phủ yêu cầu BHXH xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi, lạm dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT
Tại buổi làm việc mới đây với BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra thách thức trong năm 2018 của BHXH Việt Nam là cần khắc phục tình trạng trốn đóng, trục lợi BHXH. Phó Thủ tướng nhấn mạnh BHXH Việt Nam phải phối hợp tốt với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong thực thi chính sách trên nguyên tắc "có đóng - có hưởng, chia sẻ và bền vững Quỹ BHXH, BHYT". Việc xử lý hài hoà chính sách BHXH, BHYT bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của 3 đối tượng: Cơ quan quản lý Nhà nước, Quỹ - cơ sở khám chữa bệnh, doanh nghiệp-người dân, người lao động. Sự phối hợp tốt của BHXH Việt Nam với các bộ, địa phương sẽ còn giúp kiểm soát được việc chi trả "2 bảng lương" của doanh nghiệp (DN), chống chuyển giá, trốn thuế.
Bình luận (0)