Mới sinh ra được vài tháng tuổi, em Nguyễn Văn Cảm (SN 2003; học sinh lớp 9 Trường THCS Long Tân, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) không may mắc chứng bại não, tưởng chừng không thể đến trường. Thế nhưng, nhờ tình yêu thương và sự đồng hành của cha mẹ với sự giúp sức của Tổ chức Tài chính vi mô CEP, Cảm đã vượt qua tất cả, sống lạc quan và trở thành tấm gương sáng cho bạn bè về tinh thần vượt khó, học giỏi.
Tương lai tươi sáng
Chia sẻ về quá trình vượt qua bệnh tật của Cảm, ông Nguyễn Văn Mến, cha của em, rất đỗi tự hào. Ông nói khi mới sinh ra, Cảm khỏe mạnh và không có dấu hiệu bệnh tật, mãi đến khi được khoảng 3 tháng tuổi, em liên tục sốt cao và được đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM). Lúc nhận được tin con bị bại não và có thể liệt nửa người bên phải, vợ chồng ông Mến gần như sụp đổ bởi Cảm là đứa con đầu lòng của họ.
Bà Phan Thị Kim Lan, Phó Tổng Giám đốc CEP, trao học bổng cho con thành viên .Ảnh: THANH NGA
Thương con, vợ chồng ông hết lòng chạy chữa cho con suốt nhiều năm, cũng vì vậy mà kinh tế gia đình kiệt quệ. "Trí não của con bị tổn thương, đó là điều vợ chồng tôi buộc phải chấp nhận. Kéo dài việc điều trị, điều chúng tôi mong muốn là con trai có thể vận động để tự chăm sóc cho mình và thật may mắn là cháu đã kiên trì tập luyện để có thể đi đứng được dù rất yếu" - ông Mến nói.
Vì bệnh tật, Cảm không được đến trường đúng tuổi. Ông Mến cho biết thời điểm đó, gia đình quá khó khăn, vợ ông phải bỏ việc để chăm sóc mẹ già, con bệnh, một mình ông làm thuê nuôi cả gia đình và chạy chữa cho con. Cũng trong thời gian ấy, ông biết đến CEP và được Chi nhánh CEP Nhơn Trạch hỗ trợ vốn vay để trả nợ rồi thuê ruộng làm ăn. Hiểu hoàn cảnh gia đình ông, nhân viên tín dụng CEP nhiều lần động viên, khuyên ông cho con đi học. Nhờ vậy, Cảm được đến trường và dần hòa nhập với bạn bè.
Trái với lo lắng ban đầu của cha mẹ, dù bị di chứng của bại não nhưng Cảm luôn nỗ lực học hành, em không chỉ theo kịp bài vở trên lớp mà còn hỗ trợ bạn bè học tập. Suốt 9 năm qua, em luôn là học sinh giỏi. Đồng hành với Cảm, năm nào CEP cũng trao học bổng để động viên em vươn lên từng ngày. "Nhìn con có ước mơ, có sự tự lập của ngày hôm nay, tôi rất mãn nguyện" - ông Mến tâm sự.
Chị Trịnh Thị Cẩm Hường, Chi nhánh CEP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), cũng là một trường hợp điển hình vượt khó vươn lên nhờ Học bổng CEP. Chị Hường sinh năm 1991 tại tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nghèo. Mẹ chị vốn là thành viên của CEP, nên suốt nhiều năm liền, chị đều nhận được học bổng CEP. Năm 2009, nhờ học bổng của CEP mà chị Hường mới có chi phí để thi đại học. Kể từ đó, chị nhen nhóm ước mơ trở thành nhân viên của CEP. Kiên trì với mục tiêu mình đã chọn, ra trường, chị quyết định thi tuyển vào CEP. Vượt qua nhiều vòng thi, chị trúng tuyển. Ngày nhận thông báo, chị vỡ òa trong hạnh phúc. Đem tất cả nhiệt huyết dồn vào công việc, chỉ trong thời gian ngắn, chị đã nắm bắt kịp công việc của một nhân viên tín dụng, tận tụy vì người nghèo. Thế nhưng, ngay lúc công việc tiến triển tốt đẹp thì chị phát bệnh u não và hoàn toàn suy sụp. Nhờ sự giúp đỡ, động viên về cả tinh thần lẫn vật chất của tất cả đồng nghiệp và lãnh đạo CEP, chị đã tìm được cơ hội sống. Sau 6 tháng tạm nghỉ việc để chữa bệnh, chị trở lại với công việc bằng tất cả nhiệt huyết. Chị xúc động: "Nhờ có CEP, tôi có cơ hội học hành, có mục tiêu phấn đấu và hơn hết là tôi có cơ hội sống lần thứ 2".
Không lo mưa nắng
Song song với chương trình Học bổng CEP tiếp sức con thành viên đến trường, CEP còn dành nhiều tâm huyết để cải thiện cuộc sống của thành viên thông qua nhiều chương trình vì cộng đồng. Trong đó phải kể đến chương trình Mái nhà CEP nhằm xây dựng mới, hỗ trợ sửa chữa, xây sửa nhà vệ sinh cho những thành viên gặp khó khăn về chỗ ở. Từ năm 2008 đến nay, chương trình này đã hỗ trợ 944 trường hợp với kinh phí hơn 28 tỉ đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (54 tuổi; ngụ xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là một trong số đó. Ngày được dọn vào căn nhà mới còn thoảng mùi nước sơn, cả gia đình bà rất vui. Bà Phượng kể chồng mất cách đây 23 năm, khi bà mới 31 tuổi cùng 4 con nhỏ. Không có đất canh tác, không có việc làm, vốn liếng, suốt nhiều năm, bà phải làm thuê, ai kêu gì thì làm nấy, từ chặt mía, nhổ khoai mì đến làm cỏ… để có tiền nuôi con. Đến nay, con cái trưởng thành rồi lập gia đình nhưng ai cũng khó khăn không thể đỡ đần cho mẹ. Ngoài 50 tuổi, bà Phượng vẫn phải tự bươn chải kiếm sống, hằng ngày phụ bán rau cải, hủ tiếu cho chị ruột ở chợ được 80.000 - 90.000 đồng/ngày. Cuộc sống vẫn bấp bênh vì không có nghề nghiệp ổn định.
Cách đây 3 năm, bà Phượng được tiếp cận nguồn vốn CEP để nuôi gà cải thiện kinh tế gia đình. Tưởng cuộc sống sẽ tốt hơn nhưng tai ương lại ập đến. Năm trước, con trai út của bà bị tai nạn giao thông, gãy tay, chi phí điều trị rất tốn kém. Trong khi đó, dịch Covid-19 ập đến, công việc phụ bán quán của bà cũng mất, không có thu nhập. Khó khăn chồng chất, ước mơ sửa chữa căn nhà không sao thực hiện được. Mỗi ngày, nhìn căn nhà lá xập xệ, không còn khả năng che mưa nắng, bà chỉ ao ước có một số tiền để sửa chữa tạm qua mùa mưa. Hiểu hoàn cảnh của bà, Chi nhánh CEP Long An đã quyết định hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng Mái nhà CEP.
"Với số tiền CEP hỗ trợ cộng với tiền gom góp của các con, tôi đã xây được ngôi nhà nhỏ khoảng 100 triệu đồng. Vui nhất là nền nhà lót gạch bông sạch sẽ cho 2 đứa cháu chạy nhảy, vui đùa. Mỗi khi trời mưa gió, tôi cũng không còn lo lắng cho mẹ già gần 80 tuổi không có chỗ trú mưa. Cả nhà tôi mang ơn CEP nhiều lắm" - bà Phượng nói.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-11
Kỳ tới: Ươm mầm hy vọng
Ông NGUYỄN TẤN ĐẠT, Phó Tổng Giám đốc CEP: Mong thành viên có cuộc sống ấm no
Kể từ khi được thành lập năm 1991, CEP hoạt động với sứ mệnh "Làm việc vì công nhân, lao động nghèo và người có thu nhập thấp nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội". Kiên trì với mục tiêu ấy, suốt nhiều năm qua, bên cạnh việc cung cấp các dịch vụ về tín dụng, CEP luôn duy trì các chương trình vì cộng đồng. Tiêu biểu như Mái nhà CEP, Học bổng CEP, trao tặng BHYT, hỗ trợ phát triển nghề... Trong đó, chương trình Học bổng CEP từ năm 2008 đến nay đã trao tặng hơn 20.000 suất và hơn 342.000 phần quà học tập với tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng.
Hiện CEP đang tích cực triển khai chương trình Giáo dục tài chính CEP - Đồng hành vượt khó nhằm cung cấp kiến thức tài chính, giúp khách hàng hiểu được vấn đề lãi suất và các rủi ro, qua đó kiểm soát tài chính của bản thân và chuẩn bị mục tiêu tài chính dài hạn cho gia đình. Chỉ có như vậy, khách hàng mới tránh được bẫy tín dụng đen và dần cải thiện cuộc sống của gia đình mình.
Bình luận (0)