. Phóng viên: Ngày 2-11-2021 là cột mốc đáng nhớ của CEP. Gắn bó với CEP từ những ngày đầu thành lập, điều gì khiến bà tự hào, tâm đắc?
Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN
- Bà NGUYỄN THỊ HOÀNG VÂN: Tổ chức Tài chính vi mô CEP (CEP), tiền thân là Quỹ Trợ vốn người lao động nghèo tự tạo việc làm do LĐLĐ TP HCM thành lập vào ngày 2-11-1991 nhằm hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân lao động (CNLĐ) thông qua việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính vi mô một cách thiết thực và hiệu quả. Trải qua hành trình 30 năm phát triển đầy thử thách, điều tôi tự hào nhất là sự kiên định với mục tiêu phi lợi nhuận và với sứ mệnh giảm nghèo trong CNLĐ mà Tổ chức Công đoàn và Đảng bộ, chính quyền TP HCM giao phó. Bên cạnh đó, phương thức, mô hình hoạt động của CEP liên tục được đổi mới và vận hành quản trị khoa học; các sản phẩm, dịch vụ được thiết kế phù hợp với điều kiện của người lao động (NLĐ) nghèo. Phương châm của chúng tôi là không ngừng học hỏi, sáng tạo, ứng dụng các chuẩn mực tài chính vi mô quốc tế, chuẩn mực ngành ngân hàng vào hoạt động nhằm bảo đảm CEP luôn phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.
Năm 2017, CEP được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép là Tổ chức Tài chính vi mô, hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng. Từ nguồn vốn ban đầu chỉ 460 triệu đồng, đến nay CEP đã phát triển trên 5.500 tỉ đồng, với 35 chi nhánh phục vụ cho 371.696 khách hàng CNLĐ nghèo tại 9 tỉnh, thành: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre và Vĩnh Long. CEP tự hào là tổ chức tài chính vi mô lớn nhất, tiên phong trong ngành Tài chính vi mô Việt Nam, là người bạn đồng hành tin cậy của đông đảo CNLĐ nghèo.
. Do đâu CEP có được những thành công đó, thưa bà?
- Bên cạnh sự kiên định với mục tiêu, sứ mệnh giảm nghèo, những thành tựu CEP đạt được trong chặng đường đã qua chính là sự vun đắp của tổ chức Công đoàn, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ TP HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự hỗ trợ quý báu của rất nhiều tổ chức, cá nhân và sự nỗ lực quên mình của các thế hệ cán bộ nhân viên (CBNV) CEP. Trải qua 30 năm hoạt động, CEP là kết tinh của tinh thần trách nhiệm, của niềm tin và sự chia sẻ yêu thương, là quyết tâm của đội ngũ CEP với sự cam kết cao, thấm đẫm các giá trị cốt lõi CEP "Trung thực, minh bạch, chính trực - tôn trọng, đồng cảm, chia sẻ - sáng tạo, hiệu suất, hiệu quả". Nhưng trên tất cả, đó chính là thành quả của hàng triệu cô chú, anh chị khách hàng CNLĐ nghèo đã và đang ngày đêm lao động miệt mài với khát vọng vươn lên bằng sức lao động chân chính của mình. Chúng tôi hạnh phúc và tự hào khi được đồng hành và phục vụ CNLĐ trong suốt hành trình vượt nghèo gian nan ấy.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Vân, Tổng Giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP (bìa trái), thăm hỏi khách hàng là công nhân nghèo tại huyện Hóc Môn, TP HCM. Ảnh: CAO HƯỜNG
. Điều gì tạo nên sự khác biệt của CEP so với các tổ chức tín dụng khác?
- Điểm khác biệt lớn nhất của CEP là mô hình hoạt động, là sự gắn bó sâu sát, tận tâm với khách hàng CNLĐ nghèo. Từ ngày đầu thành lập CEP đã vận dụng sáng tạo mô hình Ngân hàng Grameen (Bangladesh). Đối tượng phục vụ của CEP là người nghèo và người có thu nhập thấp, được tổ chức theo nhóm, cụm trên cùng địa bàn sinh sống hoặc nơi làm việc, cùng chia sẻ trách nhiệm và hỗ trợ lẫn nhau. CEP cung cấp dịch vụ đến tận tay CNLĐ nghèo và không thu bất kỳ khoản phí nào. Phương thức hoàn trả hằng tuần, tháng cùng với khoản tiết kiệm nhỏ phù hợp với CNLĐ nghèo. Đến nay, CEP trực tiếp hỗ trợ 4,8 triệu lượt hộ CNLĐ nghèo với số tiền 65.000 tỉ đồng, tạo ý thức tiết kiệm trong cộng đồng dân cư nghèo với tổng tiết kiệm khách hàng trên 1.500 tỉ đồng.
Khách hàng là trung tâm cho việc sáng tạo, đổi mới của CEP. Văn hóa tổ chức CEP về sự tôn trọng, đồng cảm với CNLĐ cùng văn hóa sáng tạo là kim chỉ nam, là động lực để CEP không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, phương thức phục vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm tín dụng CEP phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau như tạo việc làm, tăng thu nhập, mùa vụ, sửa chữa nhà, học nghề, khẩn cấp, sản xuất kinh doanh nhỏ. Đặc biệt, năm 2021, CEP triển khai thêm gói sản phẩm mới cho đoàn viên Công đoàn các nghiệp đoàn, khu nhà trọ, khu lưu trú CN. Sản phẩm tiết kiệm CEP giúp NLĐ tiết kiệm từ những khoản tiền rất nhỏ, giải quyết khó khăn, khẩn cấp trong gia đình, khỏi đi vay nặng lãi. Chặng đường qua, CEP đã góp phần tích cực giảm thiểu nạn cho vay nặng lãi, hỗ trợ hàng trăm ngàn CNLĐ nghèo tạo việc làm, từng bước vượt khó và vươn lên thoát nghèo.
. Đời sống CNLĐ nghèo bị tác động không nhỏ bởi dịch bệnh. Thời gian qua, CEP đã triển khai những biện pháp gì để hỗ trợ đối tượng này?
- 2 năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống CNLĐ. Trong suốt thời gian ấy, CEP nỗ lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, phục hồi hoạt động thông qua hỗ trợ giảm lãi suất, miễn lãi, các gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng và gia đình không may bị nhiễm Covid-19, sản phẩm tín dụng bổ sung giúp khách hàng còn dư nợ vay nhưng cần thêm vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, CEP đã kịp thời đưa vào ứng dụng "App CEP - đồng hành vượt khó" giúp khách hàng đăng ký rút tiết kiệm, đăng ký khoản vay mới để được phục vụ nhanh nhất cùng chương trình giáo dục tài chính, chương trình kết nối giới thiệu việc làm cho NLĐ.
. Để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, CEP đã sớm định hình chiến lược phát triển đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của CEP là gì, thưa bà?
- Mục tiêu của CEP trong thời gian tới là mở rộng phạm vi phục vụ, nâng số lượng CNLĐ nghèo được hưởng thụ sản phẩm dịch vụ lên 1 triệu khách hàng, với mũi nhọn là tăng cường ứng dụng công nghệ số. Thực hiện chiến lược phát triển nền tảng, đa dạng sản phẩm dịch vụ, CEP sẽ tăng cường thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức Công đoàn, các đối tác, tăng cường kết nối thông tin, hợp tác trong những lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cho khách hàng CNLĐ thu nhập thấp; góp phần tích cực vào mục tiêu giảm nghèo của cả nước và chung tay xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Dành trên 25 tỉ đồng/năm cho các hoạt động phát triển cộng đồng
Song song với sản phẩm tín dụng và tiết kiệm, CEP cung cấp các dịch vụ phát triển cộng đồng nhằm hỗ trợ cải thiện an sinh của hộ nghèo như: huấn luyện nâng cao nhận thức cộng đồng, chương trình Học bổng CEP, Mái nhà CEP, hỗ trợ tài chính khẩn cấp và thực phẩm thiết yếu cho khách hàng nghèo và khó khăn nhất. Hằng năm, CEP dành trên 25 tỉ đồng cho các hoạt động phát triển cộng đồng. Trong năm 2020 và 2021, trước tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống CN, NLĐ nghèo, CEP đã dành trên 62 tỉ đồng với nhiều sáng kiến phát triển cộng đồng đi vào chiều sâu, hỗ trợ thiết thực cho khách hàng. Đặc biệt từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 3-2020 đến nay, CEP đã liên tục thực hiện các chuỗi chương trình "CEP - Chia sẻ yêu thương" hỗ trợ hơn 40.000 CNLĐ nghèo có hoàn cảnh khó khăn với các phần quà nhu yếu phẩm, thuốc, dụng cụ y tế, trao tặng sổ tiết kiệm.
Trọng tâm giảm nghèo - Dấu son hành trình CEP
Đối tượng phục vụ của CEP gồm đoàn viên Công đoàn, CNLĐ nghèo, thu nhập thấp. Tối thiểu 80% khách hàng mới tham gia thuộc nhóm nghèo và nghèo nhất theo chuẩn phân loại nghèo của CEP. Từ năm 1998 đến nay, CEP đã áp dụng bộ chỉ số đánh giá mức nghèo của khách hàng, bao gồm tỉ lệ phụ thuộc, chỉ số thu nhập, chỉ số tài sản và chỉ số nhà ở. Đánh giá mức nghèo khách hàng được CBNV CEP thực hiện cùng với khảo sát rủi ro tín dụng và được đưa vào hệ thống đánh giá năng suất trách nhiệm và thi đua khen thưởng cho từng CBNV, từng chi nhánh. Trong suốt quá trình hoạt động, CEP tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực trong nước và quốc tế về tài chính vi mô, thực hiện kiểm toán độc lập hằng năm, được các tổ chức quốc tế đánh giá và xếp hạng cao. CEP đã được nhận giải thưởng "Tổ chức minh bạch nhất về tài chính" do CGAP của Ngân hàng Thế giới trao tặng năm 2004 và năm 2005; giải thưởng về báo cáo hiệu quả xã hội do MIX của Ngân hàng thế giới trao tặng năm 2011.
Kỳ tới: Những người đi mở đất
Bình luận (0)