Ông M. (ngụ quận 7, TP.HCM) trình bày: Ông bắt đầu làm thuyền trưởng trên một con tàu của Công ty Vận tải B. từ tháng 3-2008 đến tháng 2-2014 thì ông nghỉ hưu. Mức lương của ông được trả là 55 triệu đồng/tháng. Sau đó, Công ty B. tiếp tục mời ông ở lại làm việc trên một con tàu khác từ tháng 5-2014 đến tháng 1-2015. Hai bên không ký hợp đồng lao động nhưng có thỏa thuận mức lương là 34 triệu đồng/tháng.
Đau răng do đi kiện?
Tuy nhiên, đến ngày ông rời tàu, Công ty B. không thanh toán tiền lương cho ông. Trong thời gian này ông có nhận tạm ứng số tiền 174 triệu đồng của công ty, ông đã trả các khoản chi phí và tiền ăn cho thuyền viên.
Theo ông M., Công ty B. chỉ đóng bảo hiểm cho ông theo mức lương 4,6 triệu đồng/tháng là không đúng, ảnh hưởng đến quyền lợi của ông sau này. Vì vậy ông khởi kiện yêu cầu Công ty B. phải nộp tiền bảo hiểm cho ông theo mức lương 55 triệu đồng/tháng từ khi ông làm việc cho đến ngày ông nghỉ hưu. Đồng thời, ông M. cũng yêu cầu công ty này phải trả tiền lương cho khoảng thời gian ông quay lại làm việc sau khi nghỉ hưu và tiền lãi phát sinh do chậm trả. Tổng cộng hơn 250 triệu đồng.
Tháng 9-2017, TAND quận 7 xử sơ thẩm. Tại tòa, ông M. bổ sung yêu cầu khởi kiện. Cụ thể, ông yêu cầu công ty bồi thường 731 triệu đồng gồm các khoản thiệt hại hằng tháng do quá trình kiện tụng ông không đi làm được. Yêu cầu công ty thanh toán chi phí tiếp khách trong quá trình làm cho công ty hơn 50 triệu đồng.
Ngoài ra, Công ty B. phải trả ông tiền công làm việc thay hoa tiêu và nhận thêm các chức danh khác 137 triệu đồng. Đặc biệt, ông M. còn yêu cầu công ty bồi thường tiền thuốc điều trị đau răng khi đi khởi kiện là 10 triệu đồng.Ngược lại, phía Công ty B. trình bày: Khi ông M. nghỉ hưu, công ty đã làm thủ tục nhận lương hưu, trả sổ bảo hiểm cho ông M., ông M. không có khiếu nại, thắc mắc gì. Ông M. quay lại làm việc là theo hợp đồng liên kết cung ứng thuyền viên giữa Công ty B. và Công ty P. Theo đó, khi có nhu cầu về từng vị trí trên tàu thì Công ty B. thông báo để Công ty P. chọn lựa người phù hợp rồi thông báo lại cho Công ty B. Khi được Công ty B. tiếp nhận thì Công ty P. ra quyết định điều động biệt phái, đồng thời kèm theo bản gốc các chứng chỉ, giấy tờ của thuyền viên.
Khi nhận được các khoản tiền liên quan đến thuyền viên chuyển từ Công ty B. thì Công ty P. sẽ chịu trách nhiệm nộp các khoản bảo hiểm, thuế thu nhập và chuyển trả lương cho thuyền viên hoặc gia đình của thuyền viên. Từ đó Công ty B. cho rằng ông M. phải trực tiếp đối chiếu tiền lương với đơn vị cung ứng là Công ty P.
Bác hết yêu cầu
Xử sơ thẩm, TAND quận 7, TP HCM nhận định: Ông M. yêu cầu Công ty B. nộp các khoản BHXH theo mức lương 55 triệu đồng/tháng đến khi nghỉ hưu (tháng 2-2014) là không có cơ sở.
Theo HĐXX, ông M. trực tiếp liên hệ nhận tiền lương hưu tại BHXH quận 7 từ tháng 5-2014, không có khiếu nại, thắc mắc gì về thời gian đóng BHXH, số tiền lương làm căn cứ tính lương hưu. Đến cuối năm 2015, ông M. mới có đơn khởi kiện. Căn cứ Điều 202 Bộ luật Lao động 2012, các yêu cầu này đã hết thời hiệu nên HĐXX đình chỉ xét xử.Các yêu cầu khởi kiện bổ sung của ông M. tại phiên tòa vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu theo Điều 244 BLTTDS 2015 nên HĐXX không chấp nhận.
Về yêu cầu đòi tiền lương trong thời gian làm việc sau nghỉ hưu, ông M. cho rằng chưa nhận được tiền lương tháng nào là mâu thuẫn với chứng cứ do chính ông cung cấp cho tòa án. Cụ thể là bản sao kê tài khoản của ông M. có được Công ty P. thanh toán tiền lương vào các tháng 8 và 11-2014.Xét các lời khai cùng tài liệu chứng cứ thể hiện Công ty B. và Công ty P. có hợp đồng cung ứng thuyền viên. Theo các giấy ủy nhiệm chi do hai công ty này cung cấp thì ông M. có tên trong danh sách thuyền viên lên tàu làm việc. Thực tế, Công ty P. có thanh toán tiền lương qua tài khoản của ông M. theo đúng số tiền ghi trong danh sách này. Mặt khác, tại phiên tòa sơ thẩm, ông M. cũng xác nhận sau khi rời tàu có khiếu nại Công ty P. về việc không trả lương và Công ty P. cũng có văn bản trả lời cho ông M.
Sau khi rời tàu và khi thanh quyết toán các khoản chi, tạm ứng trong thời gian làm việc trên tàu với Công ty B., ông M. không có ý kiến, yêu cầu bị đơn phải thanh toán tiền nợ lương hoặc yêu cầu khấu trừ số tiền mà ông phải trả lại cho công ty bị đơn. Như vậy, lời trình bày về thỏa thuận với Công ty B. mức lương 34 triệu đồng/tháng là không có cơ sở. Từ đó HĐXX đã bác toàn bộ yêu cầu của ông M. nên ông kháng cáo.
Mới đây, TAND TP HCM đã xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa, ông M. không cung cấp được chứng cứ gì mới để chứng minh cho yêu cầu của mình. Từ đó đại diện VKSND TP HCM và HĐXX thống nhất quan điểm, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bình luận (0)