Chuẩn bị tốt nghiệp THPT, với học lực khá, đam mê ngoại ngữ nhưng Ngô Hồng Nhung (ở huyện Hóc Môn, TP HCM) lại quyết định chọn vào một trường cao đẳng (CĐ) nghề để theo học ngành điều dưỡng. "Em tìm hiểu kỹ mới quyết định học CĐ. Rất may là ba mẹ em ủng hộ vì bản thân ba mẹ cũng từng rơi vào hoàn cảnh học xong đại học (ĐH) nhưng vẫn khó tìm việc làm. Ngoài chuyên ngành điều dưỡng, em còn dự định học thêm ngoại ngữ để có thể ra nước ngoài làm việc" - Nhung cho biết.
Mở ra cơ hội việc làm
Gặp Nhung trong một buổi tư vấn tuyển sinh gần đây, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực Việt Nam - một chuyên gia trong lĩnh vực dự báo nguồn nhân lực, cho rằng cô may mắn hơn nhiều bạn khi được gia đình ủng hộ quyết định quan trọng trên con đường học vấn của mình.
Ông Tuấn cho biết theo khảo sát thực tế từ những chương trình tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT, nhiều học sinh lớp 12 bày tỏ nguyện vọng học CĐ, trường nghề. Tuy nhiên, các em luôn có tâm lý lo ngại gia đình phản đối, xã hội không coi trọng bởi những định kiến xoay quanh việc học CĐ, học nghề vẫn tồn tại.
Sinh viên cao đẳng nghề nhà hàng khách sạn được thực tập tại nhà hàng ngay trong quá trình học
"Đó là những định kiến sai lầm, tạo nên tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" nặng nề trên thị trường lao động hiện nay. Trong khi các doanh nghiệp (DN) cần những người lao động (NLĐ) có tay nghề, được đào tạo kỹ năng nghề trước khi vào làm việc và luôn đỏ mắt kiếm người, thì một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp ĐH lại chẳng tìm được việc làm. Đó là sự lãng phí lao động xã hội" - ông Tuấn nhận xét.
Kết quả khảo sát việc làm năm 2021 do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (Falmi) thực hiện đã chứng minh điều ông Tuấn nói. Theo khảo sát của Falmi, trong khoảng 121.000 người tìm việc tại TP HCM năm 2021 thì có 57.000 người trình độ ĐH (hơn 42%) nhưng DN chỉ cần gần 39.000 người. Ở nhóm trình độ CĐ, gần 23.000 người đi tìm việc nhưng DN cần hơn 37.000 người.
Khảo sát của Falmi còn chỉ ra rằng thị trường lao động đã có xu hướng coi trọng kỹ năng, hiệu quả làm việc của NLĐ hơn là bằng cấp. DN chỉ tuyển những lao động phù hợp, có tay nghề, có kỹ năng nghề và đáp ứng môi trường chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào việc họ theo học loại hình đào tạo nào.
Ông Tuấn cho biết bậc CĐ thuộc khối giáo dục nghề nghiệp đi theo con đường đào tạo kỹ năng nghề với thời lượng thực hành cao; người học giỏi tay nghề, dễ nắm bắt công việc sau khi ra trường. Người tốt nghiệp CĐ được gọi là cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành, tức là kỹ thuật viên chuyên nghiệp, làm việc thực tế. Cơ hội việc làm của họ cao hơn bởi thực tế, DN ưa chuộng tuyển dụng sinh viên CĐ thực hành hơn.
Giảm lý thuyết, tăng thực hành
Đổi mới cách giảng dạy, đầu tư trang thiết bị thực hành... cũng đang được các trường CĐ nghề thực hiện để vừa thu hút người học vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của DN.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Nova (quận Gò Vấp, TP HCM), học trình của các trường CĐ đều giảm bớt thời lượng lý thuyết, tăng thời gian thực hành, đồng thời đưa sinh viên đến các DN liên kết để thực tập theo phương pháp làm việc trực tiếp. Tại Nova, 50%-70% thời lượng học tập của sinh viên là thực hành theo mô hình "đưa DN vào giảng đường". Mỗi ngành đào tạo đều gắn liền với một lĩnh vực kinh doanh trong hệ sinh thái của NovaGroup. Với mô hình này, giảng viên của trường đều là những nhà quản lý cao cấp trong tập đoàn. Sinh viên được thực hành đúng ngành nghề ngay tại những công ty thành viên, khi ra trường sẽ đi làm chính thức tại các DN này.
"Chúng tôi xác định mục tiêu là đào tạo sinh viên thạo ngoại ngữ, vững kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn đánh giá của khu vực và quốc tế. Họ học ở Việt Nam nhưng được quốc tế công nhận, có khả năng làm việc trong các DN liên doanh hoặc nước ngoài, có thể xuất khẩu lao động tại các thị trường "khó tính" cho cơ hội thu nhập cao. Như vậy, NLĐ sẽ được mở rộng tối đa cơ hội việc làm khi chọn học nghề tại Trường CĐ Nova" - bà Quyên cho biết.
Theo bà Quyên, sinh viên ngành điều dưỡng tại Trường CĐ Nova có cơ hội tham gia chương trình thực tập tại Nhật Bản. Chương trình kéo dài 8 - 10 tháng với mức thu nhập hấp dẫn, khoảng 18-23 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương thực tập được hưởng thì cơ hội học tập, nâng cao tay nghề, cọ xát trong môi trường làm việc sẽ giúp sinh viên tự tin sau khi ra trường.
Thành lập Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao
Theo đề án thành lập, Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại miền Nam sẽ đặt tại Trường CĐ Kỹ nghệ II (TP Thủ Đức, TP HCM). Dự kiến, trung tâm sẽ đào tạo 3.500 NLĐ với 7 ngành nghề trọng điểm: điện toán đám mây; an ninh mạng thông minh; công nghệ in 3D; công nghệ robot (robot và thiết bị tự hành); công nghệ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu tiên tiến; công nghệ điện thông minh (điện dân dụng, công nghiệp); quản lý và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
Bình luận (0)