Bộ LĐ-TB-XH cho biết đến nay, Việt Nam đã phái cử tổng cộng 892 ứng viên điều dưỡng sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận Nhật Bản. Lần xuất cảnh gần đây nhất là ngày 30-5-2018 với 219 ứng viên. Các ứng viên điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với đồng nghiệp trong khu vực. Cụ thể, có 48/69 ứng viên điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ quốc gia của Nhật Bản (đạt tỷ lệ gần 70%); 89/95 ứng viên hộ lý thi đạt chứng chỉ quốc gia (đạt tỷ lệ 94%) Trong khi với các nước khác, con số này là từ 10 - 30%.
Các tập đoàn Nhật Bản có nguyện vọng tiếp nhận hộ sinh hộ lý Việt Nam vào thực tập.
Tại buổi tiếp xúc với Bộ LĐ-TB-XH mới đây, ông Tanihata Takashi - Hạ nghị sĩ Nhật Bản (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản) cho biết Chính phủ Nhật Bản cố gắng tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho lao động nước ngoài trong đó có lao động Việt Nam. Đặc biệt kể từ 2017 theo Luật Kỹ năng sửa đổi, Nhật Bản có tăng thêm mấy ngành nghề mới, trong đó có ngành hộ sinh hộ lý. Các tập đoàn Nhật Bản có nguyện vọng tiếp nhận hộ sinh hộ lý Việt Nam vào thực tập.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng giữa Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Y tế - Phúc lợi, Bộ Ngoại giao của Nhật Bản là cơ sở pháp lý quan trọng, để hợp tác nhân lực giữa hai nước có những bước phát triển mới. Từ chỗ Việt Nam chỉ có khoảng 20.000 lao động sang Nhật, năm 2017 đạt tới 59.000 lao động. Đến nay, Việt Nam sang Nhật lao động, học tập khoảng 200.000, tu nghiệp sinh khoảng 120.000 người.
Đặc biệt, qua triển khai chương trình hợp tác phái cử thực tập sinh hộ lý theo Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay, 6 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý với 1.200 ứng viên đã được tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật.
Bình luận (0)