Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự động hóa là xu thế không thể đảo ngược nên việc sở hữu những kỹ năng cần thiết chính là tấm vé cho người lao động (NLĐ) có được công việc tốt.
Hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc
Bên trong khu vực sản xuất của một nhà máy làm hàng điện tử ở phía Bắc Việt Nam, là một tổ hợp khổng lồ với hàng loạt dây chuyền sản xuất được quản lý gần như tự động. Khu vực này đặt khoảng 20 dây chuyền, mỗi dây chuyền là một loạt máy móc được sắp xếp tuần tự theo từng công đoạn kế tiếp nhau.
Có thể nhận thấy đỉnh cao về tự động và tính chính xác tại vị trí gắn linh kiện. Các cánh tay robot nhỏ xíu lắp các con chip nhanh thoăn thoắt vào đúng vị trí. Rồi những bản mạch lại tiếp tục được chuyển tới phân đoạn khác một cách tuần tự, nhuần nhuyễn. Tại mỗi dây chuyền dài khoảng 20 mét chỉ thấy lác đác một hoặc hai nhân viên mà nhiệm vụ của họ dường như chỉ là... quan sát dây chuyền và phát hiện sự cố.
Hàng triệu lao động Việt Nam có nguy cơ mất việc làm khi doanh nghiệp tự động hóa mọi công đoạn hoặc dịch chuyển sản xuất về nước của họ
Bên cạnh 20 dây chuyền sản xuất vừa nêu là một lớp học "dã chiến", nơi các kỹ sư được đào tạo để sử dụng các thiết bị máy móc hiện đại nhất trong nhà máy. Những học viên trong lớp này đều đã phải trải qua một loạt cuộc kiểm tra về trí thông minh, khả năng học hỏi, nắm bắt những ứng dụng công nghệ mới nhất...
Nếu nhìn thoáng qua bộ phận sản xuất này, ai cũng có thể liên tưởng tới một ngày không xa, tất cả các công đoạn sản xuất điện thoại sẽ được thay thế bằng máy móc, trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối... Điều này có nghĩa hàng triệu lao động Việt Nam có nguy cơ mất việc làm khi doanh nghiệp tự động hóa mọi công đoạn hoặc dịch chuyển sản xuất về nước của họ.
Cơ hội hơn là thách thức
Nói về việc người lao động có nguy cơ mất việc do tự động hóa, người đứng đầu nhà máy này cho rằng nên nhìn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách tích cực, đó là tự động hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất chứ không nhằm mục đích thay thế con người. Tự động hóa sẽ thay thế con người ở những công việc đơn giản nhưng ngược lại, các công ty sẽ tăng thêm đội ngũ nhân lực có tay nghề cao để có thể quản lý được máy móc. "Tôi nghĩ rằng khi tự động hóa, thị trường lao động sẽ phải chuyển đổi theo hướng tích cực hơn và chất lượng của đội ngũ nhân sự sẽ được nâng cao", ông nói.
Trong một bài viết trên trang web của World Bank, theo bà Jieun Choi, chuyên gia kinh tế, nhiều nghiên cứu đưa ra dự báo xấu về việc phần lớn công việc hiện nay sẽ biến mất do tự động hóa, nhưng cuộc cách mạng này cũng sẽ tạo ra nhiều công việc mới mà người ta chưa thể hình dung được.
Nhìn lại quá khứ, kết quả của các cuộc cách mạng công nghiệp là nhiều công việc mới được tạo ra hơn so với những công việc mất đi. Ví dụ, máy tính đã thay thế các công việc như nghề đánh máy nhưng cũng tạo ra nhu cầu rất lớn trong các công việc xây dựng, vận hành và điều khiển máy tính. Những công việc mới được tạo ra từ công nghệ thường khó dự đoán và đó cũng là lý do khiến nhiều bài báo, nhận định tiêu cực bị lấn át gần đây. Theo nghiên cứu của ManpowerGroup, nhiều công việc mới vẫn chưa được tạo ra, cụ thể có tới 65% công việc mà thế hệ Z (sinh năm 1995-2012) đảm nhiệm trong tương lai hiện vẫn chưa xuất hiện.
Kỹ năng là tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài
Trong một hội thảo gần đây, ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel, đánh giá cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cơ hội cho Việt Nam nhiều hơn là thách thức, vì mỗi cuộc cách mạng sẽ là cơ hội để những nước nghèo phát triển hơn. Mỗi cuộc cách mạng khiến cái cũ bị phá hủy để xây cái mới, và vì Việt Nam có xuất phát điểm thấp nên việc phải phá hủy cái cũ chưa nhiều.
Để Việt Nam thay đổi ngôi thứ trong cuộc cách mạng công nghiệp này, theo ông Cường, cần phải chuẩn bị bốn nền tảng, đó là: (i) hạ tầng kết nối di động và cố định; (ii) làm chủ công nghệ về vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và dữ liệu lớn; (iii) ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành nghề, đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, y tế, bảo hiểm để dùng chung cho các lĩnh vực; (iv) đào tạo nguồn nhân lực. Với ba yếu tố đầu tiên, Việt Nam đã làm được, nhưng cái đáng lo ngại nhất chính là chất lượng nguồn nhân lực và làm thế nào để đào tạo và chuyển đổi lực lượng lao động.
Theo nhiều chuyên gia, cách duy nhất hiện nay là phải đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để bắt kịp xu hướng mới, để NLĐ không bị văng ra khỏi thị trường lao động. Nói như ông Jonas Prising, Chủ tịch và CEO của ManpowerGroup: Chúng ta không thể làm chậm lại sự phát triển của công nghệ và tiến trình toàn cầu hóa, nhưng chúng ta có thể đầu tư vào kỹ năng của nhân viên để tăng khả năng thích nghi của con người trong công việc.
Vậy những kỹ năng nào cần được đào tạo? Theo ông Simon Matthews, Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, kỹ năng của lực lượng lao động trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phải được nâng cao, ví dụ kỹ năng của CEO sẽ là kỹ năng của quản lý cấp trung và kỹ năng của quản lý cấp trung sẽ thành kỹ năng của nhân viên. Con người sẽ cần những kỹ năng mới và họ sẽ thường xuyên cần đến chúng hơn để có thể tìm được cơ hội việc làm, thậm chí đối với những công việc còn chưa tồn tại. "Kỹ năng sẽ trở thành đơn vị tiền tệ mới trong kỷ nguyên nhân tài", ông Simon Matthews nói. Những kỹ năng cần thiết đó là kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, quản lý nguồn lực con người, phối hợp với đồng nghiệp, trí tuệ cảm xúc, đánh giá và ra quyết định, định hướng dịch vụ, đàm phán, linh hoạt trong nhận thức...
Theo khảo sát của ManpowerGroup, hơn 90% giới chủ dự đoán tổ chức của họ sẽ bị tác động bởi số hóa trong hai năm tới. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ họ đã tuyển những quản lý cấp trung với yêu cầu phải đưa ra được 3-5 giải pháp cho một vấn đề. "Tự động hóa không thể thay thế con người trong phương diện ra quyết định và nhận thức. Việc ra quyết định vẫn là một kỹ năng của con người. Trong nền công nghiệp 4.0, máy móc có thể ra một số quyết định đơn giản nhưng chỉ có con người mới có thể ra những quyết định phức tạp và khó khăn", ông Simon Matthews nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có xu hướng tuyển NLĐ có khả năng học hỏi hơn là những kiến thức họ có được. "Sự thay đổi không chờ đợi chúng ta. Tất cả lãnh đạo doanh nghiệp, đơn vị giáo dục và chính phủ phải chủ động nâng cao kỹ năng và đào tạo lại nhân sự của mình để mọi người đều có thể nhận được lợi ích từ cuộc cách mạng 4.0", theo ông Simon Matthews.
Bình luận (0)