Việc chọn lựa hình thức chăm lo thiết thực nhất để CN có những phút giây thư giãn đúng nghĩa và được hưởng trọn vẹn cảm giác ấm cúng luôn là trăn trở của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.
Với những thủ lĩnh CĐ đã thành danh và từng đạt Giải thưởng 28-7 như chị Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), biết lo trước cái lo của đoàn viên và làm mọi cách để giải tỏa nỗi lo ấy của họ chính là trách nhiệm. Quan sát cử chỉ, thái độ làm việc của chị khi đến từng bộ phận thăm hỏi CN về chất lượng bữa ăn giữa ca cũng như điều kiện làm việc, chúng tôi cảm nhận được tinh thần tận tụy của đội ngũ cán bộ CĐ ở cơ sở.
Trong xu thế hội nhập sâu rộng, ngoài trình độ chuyên môn và kiến thức, cán bộ CĐ cần phải có tinh thần dấn thân, hết lòng với tổ chức và người lao động (NLĐ). Tại TP HCM, hình mẫu cán bộ như chị Thu xuất hiện ngày càng nhiều và là chỗ dựa tin cậy của doanh nghiệp (DN) lẫn NLĐ. Thấu hiểu khó khăn của CN, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn cố gắng bám xưởng, bám DN. Từ đó, họ đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng chính sách chăm lo, đãi ngộ thiết thực nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ. Khi NLĐ có bức xúc về lương, thưởng, chính họ bằng bản lĩnh, sự bình tĩnh và khôn khéo đã “hạ nhiệt” tranh chấp, góp phần ổn định quan hệ lao động tại DN. Gạt bao lo toan, vất vả, nhất là nỗi lo cơm áo gạo tiền, họ tận lực san sẻ khó khăn, cùng chia ngọt sẻ bùi với CN bằng những nghĩa cử đậm tính nhân văn.
Theo anh Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch CĐ Công ty Vĩ Châu (quận 7, TP HCM), một thủ lĩnh CĐ từng nhận Giải thưởng 28-7, được cống hiến hết sức mình cho phong trào và sống có trách nhiệm với NLĐ là vinh dự của người làm công tác CĐ.
Tâm sự của chị Thu và anh Kiệt cũng là suy nghĩ chung của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở. Với họ, làm CĐ như làm dâu trăm họ. Do vậy, nếu đã có duyên với CĐ thì phải dấn thân, hết lòng.
Bình luận (0)