xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lạm quyền hành xử trái luật

Bài và ảnh: NAM DƯƠNG

Mới đây, 7 công nhân (CN), trong đó có một nữ CN đang có thai 2 tháng đã khởi kiện Công ty TNHH AMW Việt Nam (100% vốn Hồng Kông, KCN Vĩnh Lộc - TPHCM) ra tòa vì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Đáng lưu ý, trong quyết định chấm dứt HĐLĐ với các CN trên, phía công ty không hề đưa ra lý do.

Không cần giải thích lý do

Khi chúng tôi tìm hiểu vụ việc, ông Stephen Smith, Tổng Giám đốc Công ty AMW, cho biết cuối năm 2006, trong khi tham gia đình công, nhóm CN trên đã đe dọa đánh một chuyên gia nước ngoài và ép buộc nhiều CN trong nhà máy phải làm theo ý họ, nếu không sẽ bị đánh. Từ phản ánh của CN, ông Smith đã quyết định chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn với 7 CN trên vào ngày 11-3. Cũng vẫn theo ông Smith, vào ngày 16-3, nhóm CN trên còn hai lần chặn đánh các CN người Việt Nam khác ngay trước cổng công ty, thậm chí còn chặn xe đòi hành hung chuyên gia nước ngoài nhưng không thực hiện được vì có sự can thiệp của bảo vệ KCN Vĩnh Lộc.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị cung cấp bằng chứng chứng minh sai phạm của nhóm CN trên thì ông Smith lại từ chối. Khi chúng tôi hỏi: Tại sao công ty không lập biên bản các vụ việc để làm cơ sở xử lý kỷ luật người lao động (NLĐ), ông Smith giải thích rằng, sự việc xảy ra mọi người đều biết nên không cần lập biên bản. Hơn nữa, có lập biên bản, CN cũng không dám ký vì sợ bị đánh! Vì vậy, ông Smith đã quyết định chấm dứt HĐLĐ với nhóm CN trên.

Nếu như lời trình bày của ông Smith là sự thật thì không ai có thể chấp nhận và bênh vực hành vi mang tính chất côn đồ của CN. Thế nhưng, ngay cả khi đó là sự thật thì ai sai có phần người ấy, công ty cũng cần hành xử đúng luật.

“Tạm thu” để NLĐ... có trách nhiệm

Cách đây ít lâu, ông N.T.L đã khiếu nại Chi nhánh TPHCM của Công ty Hợp tác Kinh doanh Vinatex - OJ vì bị trừ hơn 4,3 triệu đồng khi nghỉ việc. Lý do mà công ty đưa ra là, trong thời gian làm trưởng phòng kinh doanh, anh L. bán hàng cho đối tác nhưng đối tác chậm trả tiền. Mặc dù nội quy không quy định trách nhiệm của người bán hàng về số tiền chậm trả, nhưng công ty vẫn “vô tư” trừ tiền của anh L. Giải thích cho việc làm này, đại diện của công ty cho rằng việc “tạm thu” trên là để anh L. có trách nhiệm đi đòi tiền.

Một chuyên gia pháp luật phân tích, việc hợp đồng mua bán hàng là giữa hai pháp nhân. Nếu bên mua vi phạm hợp đồng thì Công ty Vinatex - OJ có thể khởi kiện bên mua hàng ra tòa để được bảo vệ quyền lợi. Còn quan hệ giữa anh L. với công ty là quan hệ lao động. Việc vô cớ khấu trừ tiền lương, trợ cấp của NLĐ là trái luật.

Tự ý điều chuyển nhân viên

Trường hợp ở Công ty TNHH Liên doanh Vận tải Ngôi Sao Sài Gòn lại khác. Ông Lê Văn Đức được Tổng Giám đốc Isao Kobana ký HĐLĐ không xác định thời hạn với nhiệm vụ làm quản đốc phân xưởng sửa chữa kể từ ngày 26-6-2004. Thế nhưng, ngày 10-4-2006, ông Kobana lại quyết định chấm dứt chức danh quản đốc, chuyển ông Đức sang phụ trách vệ sinh - an toàn lao động mà không hề thỏa thuận theo quy định.

Ông Kobana cho rằng khi điều chuyển ông Đức có báo trước cho chủ tịch CĐ công ty vì ông Đức là ủy viên Ban Thường vụ, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra CĐ công ty. Thế nhưng, ông Hoàng Hữu Ái, Chủ tịch CĐ công ty, lại khẳng định, ông Kobana chỉ thông báo cho ông Ái biết sau khi đã quyết định điều chuyển ông Đức. Mới đây, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Kobana khẳng định việc điều chuyển NLĐ là thẩm quyền của tổng giám đốc nên không cần thỏa thuận!

Luật gia VÕ VĂN ĐỜI, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TPHCM:

Công ty đã từ chối quyền của mình

Pháp luật lao động đã quy định rất rõ quy trình xử lý nếu NLĐ vi phạm nội quy, kỷ luật lao động. Có nghĩa, luật pháp đã trao quyền, nhưng trong trường hợp này, phía Công ty AMW đã từ chối quyền của mình và chọn cách hành xử không đúng quy định.

Bà NGUYỄN THỊ DÂN, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TPHCM:

Phải thỏa thuận khi thay đổi nội dung HĐLĐ

Trong quá trình thực hiện HĐLĐ, nếu NLĐ hoặc người sử dụng lao động có yêu cầu thay đổi nội dung HĐLĐ thì phải thỏa thuận. Việc thay đổi nội dung HĐLĐ có thể được tiến hành bằng cách sửa đổi, bổ sung HĐLĐ đã giao kết hoặc giao kết HĐLĐ mới. Nếu không thỏa thuận được thì tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký hoặc hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo