Phòng kinh doanh của Dung là một trong những bộ phận lọt vào tầm ngắm cắt giảm nhân sự bởi số lượng nhân viên khá đông.
Theo yêu cầu của giám đốc mới, mỗi nhân viên sẽ nộp một bản mô tả công việc để lãnh đạo rà soát, bố trí lại công việc. Sẽ không có gì đáng nói nếu như Dung bị sếp quản lý trực tiếp đánh giá là năng lực thấp so với các đồng nghiệp khác và đưa vào diện "dôi dư".
"Công việc của cô Dung đơn giản chỉ là tiếp khách, chăm sóc khách hàng, lưu hợp đồng quảng cáo và việc này thì lao động phổ thông cũng làm được" - trưởng phòng nhận xét về Dung trước giám đốc mới.
![Làm sếp phải công tâm - Ảnh 1. Làm sếp phải công tâm - Ảnh 1.](http://nld.mediacdn.vn/thumb_w/698/2018/5/25/le-diable-habille-prada-femme-bureau-travail-1527262151639881249659.jpg)
Ảnh minh họa
Nghe những lời nhận xét của sếp, Dung thực sự bị sốc bởi khối lượng công việc cô đảm trách không phải là nhỏ. Là trợ lý của trưởng phòng, ngoài việc sắp xếp thời gian họp cho sếp, Dung còn phải kiêm nhiệm thêm một số việc khác như tiếp nhận và giải đáp thông tin về sản phẩm của công ty, lưu hợp đồng và báo cáo kết quả kinh doanh hằng tháng.
Tuy nhiên, với sự nhẫn nại và kiến thức nền về công nghệ thông tin khá vững, Dung không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn góp phần quảng bá thương hiệu công ty trên các website, các diễn đàn, trang mạng xã hội. Ấy vậy mà những dịp cuối năm, mức thưởng của Dung chỉ bằng một nửa so với đồng nghiệp khác cùng phòng. Theo lý giải của trưởng phòng, công việc của Dung chỉ mang tính chất hỗ trợ, do vậy mức thưởng thấp là đương nhiên.
Ức chế vì nỗ lực bản thân không được thừa nhận, thêm vào đó là bị xếp vào diện dôi dư, Dung quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Chưa đầy 2 tuần sau khi rời công ty, cô đã trở thành trợ lý giám đốc tại một công ty truyền thông với mức lương cao gấp đôi.
Ở bất cứ lĩnh vực nào, nhân viên cũng cần một môi trường làm việc tốt để phát triển nghề nghiệp. Đặc biệt, tại các công ty có mô hình quản lý nhân sự theo từng cấp thì đòi hỏi quản lý trực tiếp phải là người nhạy bén, đánh giá đúng năng lực của từng nhân viên, đồng thời phải công tâm trong việc thưởng - phạt.
Người sếp làm tốt điều này sẽ tạo thiện cảm cho nhân viên, giúp họ có thêm động lực làm việc và gắn bó lâu dài với nơi làm việc. Ngược lại, họ sẽ bỏ công ty mà đi nếu như bị cấp trên đối xử thiếu công bằng.
Bình luận (0)