Làm việc cho các doanh nghiệp (DN) hay tập đoàn lớn sẽ giúp cho người lao động (NLĐ) có công việc, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đó cũng là hạn chế bởi môi trường công việc ổn định sẽ không có nhiều cơ hội để NLĐ phát triển sự nghiệp trong tương lai. Một xu hướng gần đây ghi nhận NLĐ trẻ tuổi luôn chấp nhận thử thách ở những công ty non trẻ, công ty khởi nghiệp để tạo dựng sự nghiệp của mình.
Chọn lối đi riêng
Gần 4 năm làm việc cho một DN lớn về công nghệ thông tin tại Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức (TP HCM), anh Ngô Việt Linh (27 tuổi, quê Quảng Ngãi) quyết định xin nghỉ việc để chuyển sang đầu quân cho một công ty khởi nghiệp với mức lương chỉ bằng một nửa so với công ty cũ. Bạn bè, người thân ai cũng cho đó là sai lầm vì anh đang có sự nghiệp ổn định; nhưng Linh thì nghĩ khác: "Khi quyết định chuyển hướng, tôi tin vào sự lựa chọn của mình bởi nơi tôi sắp làm việc có nhiều điều rất thú vị".
Nhiều bạn trẻ chấp nhận thử thách sự nghiệp tại những công ty khởi nghiệp để học hỏi kinh nghiệm
Công ty khởi nghiệp mà anh Linh vừa đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật chỉ mới thành lập từ tháng 5-2021 - ngay thời điểm dịch bùng phát tại TP HCM và chưa có tên tuổi gì. Công ty có chức năng kết nối các nhà bán buôn, bán lẻ trong nước tiếp cận và bán hàng ra các nước khác trên một nền tảng quy tụ các sàn thương mại điện tử lớn. Sau 6 tháng thành lập, hiện công ty chỉ mới hình thành được 50% app (ứng dụng) và đang trong quá trình kết nối với các đối tác kinh doanh khác để hình thành mạng lưới bán lẻ. Tất cả nhân sự công ty đều lấy mức lương đủ sống để nuôi tham vọng lớn mà người sáng lập đã vạch ra. Linh và các nhân sự đều có niềm tin mãnh liệt vào dự án này và điều đó được khẳng định khi có 3 nhà đầu tư chịu rót vốn. "Tôi nghĩ ai cũng chỉ sống một lần trong đời, sự lựa chọn là do bản thân mỗi người. Ở công ty cũ, tôi làm một vị trí trong gần 4 năm, công việc ngày nào cũng như ngày nào, cuối tháng nhận lương, tháng nào nhiều việc thì thêm tiền thưởng. Giờ thì khác, tôi phải đảm nhận nhiều vai trò cùng lúc và lúc nào cũng phải suy nghĩ để tìm ra giải pháp tối ưu cho dự án. Bận rộn hơn nhưng tôi lại thấy vui hơn vì mình như đang làm cho chính mình" - Linh bày tỏ.
Bổ sung kiến thức, kỹ năng mềm
Khác với Linh, chị Lê Thị Nhi (30 tuổi, quê Gia Lai) lại có suy nghĩ khác. Chị Nhi đang là sếp quản lý mảng khách hàng nội địa cho một công ty hàng tiêu dùng lớn tại quận Bình Tân (TP HCM). Với 7 năm gắn bó với công ty và đi lên từ một nhân viên bán hàng, chị rất quý trọng những tình cảm mà công ty, tập thể lao động dành cho chị. Kể từ khi được bổ nhiệm làm sếp và với thành tích bán hàng luôn nằm trong nhóm xuất sắc của công ty, chị Nhi được nhiều công ty khởi nghiệp săn đón. "Tôi nhận được khá nhiều lời mời nhưng đều từ chối. Nói thật là tôi cũng muốn thử sức lắm nhưng cảm thấy công việc hiện tại đang tốt. Là nữ, tôi xem trọng việc ổn định việc làm để còn lập gia đình. Tôi nghĩ các bạn trẻ thì nên thử sức ở các công ty khởi nghiệp vì ở đó các bạn được làm việc, thỏa sức sáng tạo" - chị Nhi vui vẻ cho biết.
Bà Phạm Lan Khanh, sáng lập kiêm CEO FreelancerViet (quận 7, TP HCM), cho rằng không phải tất cả người tìm việc đều có suy nghĩ làm việc cho các công ty khởi nghiệp vừa lương thấp, lại chưa biết tương lai sẽ đi đâu, về đâu nếu chẳng may DN phá sản.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, suy nghĩ của nhiều bạn trẻ đã thay đổi. Họ bắt đầu có hứng thú với các công ty khởi nghiệp. "Quan sát của chúng tôi cho thấy lao động trẻ có xu hướng làm việc cho các công ty khởi nghiệp vì họ thấy được cơ hội phát huy khả năng của bản thân. Công ty mới thành lập nên sẽ có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, đồng nghĩa với việc nhân viên sẽ được giao cho trách nhiệm xử lý nhiều công việc khác nhau. Đây là cơ hội tốt cho các bạn trẻ để trau dồi, bồi dưỡng thêm kiến thức mà mình còn thiếu sót, đồng thời được học hỏi thêm được nhiều cái mới, kỹ năng và khả năng xử lý các vấn đề từ chính sếp của mình để làm bước đệm cho con đường sự nghiệp sau này" - bà Khanh nói.
Một "đặc quyền" quan trọng không kém khiến các dự án khởi nghiệp hút được lao động trẻ. Đó là giờ làm linh hoạt hơn, không bị gò bó về mặt thời gian và địa điểm làm việc, có thể làm việc tại nhà, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Đấy là chưa kể đến về mặt lợi ích lâu dài khi DN phát triển, những người gắn bó từ đầu có thể cân nhắc đưa lên các vị trí quản lý cao hơn hoặc được hưởng một lượng cổ phần nhất định.
Bình luận (0)