Ngày 1-7, LĐLĐ TP HCM đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành LĐLĐ thành phố lần thứ 10 (khóa XI) mở rộng; sơ kết phong trào 6 tháng đầu năm và tổng kết Tháng Công nhân (CN) lần thứ 14 năm 2022.
Chăm sóc công nhân tận nơi
"Tháng CN" lần thứ 14 chính là đợt hoạt động cao điểm, để lại dấu ấn đẹp trong lòng CNVC-LĐ TP HCM trong những tháng đầu năm 2022. Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, điểm đặc biệt của Tháng CN năm nay được đầu tư, nâng chất, tổ chức rộng khắp ở tất cả các cấp, giúp đông đảo CNVC-LĐ được tiếp cận, thụ hưởng.
Trong đó, nhiều chương trình được đội ngũ CNVC-LĐ thành phố đón nhận nhiệt tình như "Phiên chợ CN - online", "Ngày hội CN - Phiên chợ nghĩa tình", với sự tham gia của 652 doanh nghiệp (DN) đã đem lại lợi ích cho hàng trăm ngàn đoàn viên - lao động, kinh phí trên 20 tỉ đồng; chương trình "Trao sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam" cho 114 trẻ em mồ côi là con đoàn viên Công đoàn tử vong do dịch Covid-19, với tổng kinh phí hơn 1,1 tỉ đồng…
Một trong những hoạt động nổi bật trong Tháng CN năm nay là việc các cấp Công đoàn đã tập trung tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động (NLĐ) hậu Covid-19. LĐLĐ TP HCM đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác cùng Hội Đông y thành phố nhằm tổ chức thăm khám sức khỏe cho NLĐ hậu Covid-19. Đồng thời, các cấp Công đoàn đã phối hợp các cơ sở y tế tổ chức khám, tư vấn sức khỏe cho 43.404 NLĐ, với số tiền trên 10 tỉ đồng.
Người lao động mua sắm tại Cung Văn hóa Lao động TP HCM trong ngày khai mạc Tháng Công nhân Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thành phố còn đã tổ chức các điểm phúc lợi nhằm đẩy mạnh chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên". Với sự linh động về thời gian, địa điểm tổ chức, các điểm phúc lợi đã đến tận DN, các khu nhà trọ, khu lưu trú CN... Sản phẩm được bày bán tại các điểm phúc lợi là hàng có chất lượng tốt, giá rẻ hơn thị trường từ 5%-45%, giúp NLĐ tiết kiệm chi phí, bảo đảm sức khỏe cũng như vấn đề an toàn thực phẩm.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP HCM, cho biết 2 năm qua, NLĐ gặp phải vô vàn khó khăn vì dịch bệnh. Vì vậy, để động viên NLĐ vượt khó, Công đoàn các KCX-KCN thành phố đã nỗ lực kết nối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp cho ra mắt được 2 điểm phúc lợi tại Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung 2; TP Thủ Đức, TP HCM) và khu lưu trú Sadeco (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM); đồng thời tổ chức phiên chợ nghĩa tình tại 5 KCX-KCN thành phố, giúp hàng chục ngàn CN được trải nghiệm các dịch vụ chất lượng cao, giá cả hợp lý. "Địa bàn quản lý trải rộng khắp thành phố, rất khó tập trung CN, do vậy chúng tôi chủ động đưa các hoạt động chăm lo về cơ sở. Chỉ có như vậy, NLĐ mới được tiếp cận và thụ hưởng" - bà Vân cho hay.
Đáp ứng mong mỏi của đoàn viên
Chuỗi hoạt động chăm Tết Nguyên đán cũng là đợt hoạt động nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022. Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, cho biết Tết Nhâm Dần diễn ra trong hoàn cảnh rất khó khăn, tuy nhiên nhờ làm tốt công tác dự báo, các nội dung hoạt động đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN lẫn NLĐ.
Trong đó, các hoạt động được đẩy mạnh tại cơ sở, đối tượng chăm lo được mở rộng hơn, bao phủ tất cả đoàn viên, NLĐ. Nhiều chương trình, nội dung hoạt động đã được đưa về cơ sở, tổ chức với quy mô và chất lượng cao hơn. Tiêu biểu như chương trình "Tấm vé nghĩa tình" đã giúp hàng chục ngàn NLĐ được về quê sum họp, "Tết sum vầy - Xuân bình an" cấp thành phố đem đến niềm vui cho 10.000 hộ gia đình NLĐ khó khăn. Đặc biệt, chương trình "Gia đình CN - lao động vui Tết cùng thành phố" đã tạo điều kiện cho 10.250 gia đình đoàn viên - lao động xa quê có điều kiện vui Xuân đón Tết tại các điểm vui chơi của thành phố, nhận được sự ủng hộ của cộng đồng DN…
Không chỉ duy trì được sức hấp dẫn của các hoạt động mang tính chất truyền thống, các cấp Công đoàn còn đem đến nhiều mô hình chăm lo mới, phù hợp với tình hình như chương trình "Phiên chợ CN - online" với hình thức mua sắm trực tuyến đầu tiên được áp dụng cho đối tượng là CN - lao động. Hay sự kiện Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ăn Tết cùng hơn 1.000 NLĐ xa quê đã đem đến những khoảnh khắc đáng nhớ, ấm lòng và xúc động.
Thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực ấy là các cấp Công đoàn thành phố đã vận động và phối hợp các DN tổ chức thăm và tặng trên 1 triệu suất quà Tết cho CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, CN bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo, NLĐ bị mất việc làm do DN khó khăn phải thu hẹp sản xuất… với kinh phí hơn 387 tỉ đồng. Trong đó, tổ chức Công đoàn các cấp của thành phố đã trao tặng 826.866 suất quà cho đoàn viên - lao động với tổng số tiền là 292 tỉ đồng, nguồn kinh phí dùng để chăm lo cũng tăng cao hơn sao với các năm trước.
Về phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết Công đoàn thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên - lao động bị mất việc, ngừng việc, do ảnh hưởng dịch Covid-19; NLĐ có hoàn cảnh khó khăn đồng thời tập trung triển khai kế hoạch đại hội, hướng dẫn công tác nhân sự đại hội Công đoàn các cấp tiến tới đại hội Công đoàn thành phố nhiệm kỳ 2023 - 2028. Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án thành lập Trung tâm Hỗ trợ CN thành phố để làm tốt hơn nữa việc chăm lo cho đoàn viên - lao động giai đoạn sắp tới.
Ông NGUYỄN HỮU HIỆP, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP HCM:
Dấu ấn sáng tạo của Tháng Công nhân
Thông qua các hoạt động sáng tạo của Tháng CN, các cấp Công đoàn thành phố đã làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên - lao động - những người đang ngày đêm cống hiến cho thành phố. Đặc biệt là hiệu ứng lan tỏa của chương trình "Phúc lợi cho đoàn viên". Đây là giải pháp quan trọng cần được các cấp Công đoàn đầu tư hơn nữa trong thời gian tới để thu hút ngày càng nhiều NLĐ biết đến tổ chức Công đoàn. Sáu tháng cuối năm, LĐLĐ TP HCM phải chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tốt đại hội Công đoàn các cấp, rà soát đội ngũ, chuẩn bị tốt nhân sự từ cấp cơ sở đến cấp thành phố để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có tâm huyết, có bản lĩnh để đảm đương tốt vai trò của Công đoàn trong giai đoạn tới.
Bình luận (0)