"Nghề giáo là công việc phải đặt cái tâm lên trên hết và 130 nhà giáo được tuyên dương hôm nay đã làm được điều đó. Các thầy cô đã thầm lặng hy sinh, coi học trò như con, như cháu mình, tôn trọng nhân cách và sâu sát hoàn cảnh của từng em. Nhiều thầy cô giáo còn âm thầm giúp đỡ các em về cả tinh thần lẫn vật chất, giúp các em vượt lên số phận để trưởng thành" - bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Giáo dục TP HCM, khẳng định như vậy tại buổi họp mặt, tôn vinh 130 gương nhà giáo nhận danh hiệu "Trái tim người thầy" vào sáng 13-11.
Hết lòng vì học trò
Trong số những thầy cô được vinh danh, cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, sinh năm 1991, giáo viên Trường Mầm non Long Trường (quận 9) là một tấm gương sáng về lòng nhẫn nại và hết lòng vì học trò. Gần 10 năm gắn bó với nghề, cô đã trải qua nhiều kỷ niệm vui buồn, nhất là khi dìu dắt những đứa trẻ đặc biệt.
Cô Phượng kể năm thứ 2 công tác tại trường, cô được phân công dạy lớp lá 1. Khi tiếp nhận danh sách học sinh, cô cũng biết được trong lớp mình có một bé mắc chứng tăng động, tự kỷ. Nhiều đồng nghiệp dặn dò cô phải cẩn thận vì việc dạy dỗ bé rất khó, chưa kể sự khắt khe từ phía phụ huynh. Nghe vậy, cô rất lo lắng nhưng nghĩ đó là trách nhiệm của mình nên tự nhủ phải cố gắng. Tuần đầu tiên tiếp xúc, cô Phượng quan sát thấy bé không chịu chơi với ai, hằng ngày đến lớp chỉ đánh bạn. Nhiều lúc bé khóc, cô đến dỗ dành thì bị cào cấu. Những lúc như thế, cô nhẫn nhịn chịu đựng và cố gắng thay đổi cách tiếp cận bé. Cô chiều chuộng bé hết mực nhưng đổi lại bé phải trò chuyện với cô hằng ngày. Mỗi ngày, trước khi ngủ trưa, cô dành vài phút để trao đổi, hỏi han xem bé đã chơi với những bạn nào? Khi đã hiểu được cá tính của bé, cô giúp bé tiếp cận gần hơn với các bạn. Dần dần, bé trở nên dạn dĩ khi tiếp xúc với người lạ. "Vui nhất là ở nhà, bé biết tự giác xếp đồ, biết thưa ông bà, thậm chí giúp đỡ mẹ nên ai cũng mừng. Năm đó, tôi đề xuất để bé được lãnh thưởng khiến nhiều người ái ngại nhưng với tôi, bé thoát ra khỏi vùng khó khăn của chính mình để hòa nhập, đó là sự tiến bộ. Em xứng đáng được tuyên dương" - cô tâm sự, đôi mắt sáng lên niềm vui.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, khen thưởng giáo viên tiêu biểu
Cô Phượng cho biết thêm ở nhà, bé rất được chiều chuộng, muốn gì được đó nhưng ba mẹ đều bận rộn không thể chơi với con, lâu dần khiến bé có những triệu chứng tăng động, tự kỷ để gây chú ý. Vì vậy, cô đã gặp gỡ và trao đổi với ba mẹ của bé, khuyên họ dù bận rộn thế nào cũng ráng dành thời gian nói chuyện với con, ít nhất là trước khi ngủ, như vậy con mới thay đổi được.
"Nhiều năm trôi qua, bé giờ đã học lớp 7 và hai mẹ con vẫn nhớ đến tôi. Đôi khi gặp mặt, mẹ bé vẫn nhắc lại chuyện cũ và cảm ơn tôi bởi nếu năm đó bé không thể hòa nhập thì chắc chắn con đường ba mẹ phải chọn cho con khi vào cấp 1 là phải học trường chuyên biệt. Với những người làm nghề giáo thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất" - cô chia sẻ.
Duyên nợ với nghề
Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", thầy Nguyễn Minh Hoàng, giáo viên, tổng phụ trách đội Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú), vẫn luôn trăn trở làm thế nào để chắp cánh ước mơ cho học trò, nhất là những em khó khăn, khiếm khuyết. Chính trăn trở ấy là động lực khiến thầy gắn bó với nghề và dốc sức vì học trò, mở ra những cơ hội, những con đường mới cho các em.
Việc giúp học sinh khuyết tật tự tin biểu diễn trong đội kèn thiếu nhi của trường là một ví dụ điển hình. Thầy Hoàng kể là tổng phụ trách đội, thành lập một đội nhạc kèn để phục vụ cho các chương trình của trường, của ngành là ấp ủ của thầy cũng là nguyện vọng của nhiều em học sinh. Trong đó, có một cô bé học trò bị khiếm khuyết một chân sau tai nạn giao thông, em rất đam mê âm nhạc nhưng cuộc sống lại kém may mắn hơn bạn bè.
Lắng nghe tâm sự, mong muốn của em, thầy Hoàng đã mời em vào đội nhạc kèn để dìu dắt, hướng dẫn em vượt qua sự tự ti, vượt qua khiếm khuyết để đến với niềm đam mê. Kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực ấy của hai thầy trò là em đã tự tin biểu diễn, không thua kém gì bạn bè. "Học sinh tại trường hầu hết là con em người lao động nhập cư nên hoàn cảnh rất khó khăn nhưng đã là học trò, em nào cũng có những ước mơ dù nó rất đơn sơ, giản dị. Giúp các em có thêm niềm tin, có thêm động lực để hoàn thành ước mơ của mình, đó là điều mà bất kỳ một thầy cô giáo nào cũng mong muốn" - thầy Hoàng bày tỏ.
Cô Phạm Thị Thanh Nhung, giáo viên Trường THCS Nguyễn An Khương, nhà ở Củ Chi nhưng công tác tại huyện Hóc Môn, ngày ngày phải vượt quãng đường xa để đến lớp nhưng chưa bao giờ lòng yêu nghề, sự nhiệt huyết trong cô bị mài mòn.
Chia sẻ lý do đến với nghề giáo, cô Nhung cho biết: "Trở thành thầy giáo là ước mơ của ba tôi. Nếu như thuận lợi và may mắn thì nay ba cũng đang đứng trên bục giảng nhưng vì hoàn cảnh, ba đã từ bỏ ước mơ. Trong ký ức của tôi, ba đã trở thành người nông dân vất vả trên ruộng đồng để chăm lo cho 4 anh em tôi ăn học. Thương ba, yêu thích nghề giáo, tôi đã quyết tâm theo con đường giảng dạy, viết tiếp ước mơ của ba và tự nhủ phải đi trọn vẹn con đường này". Đến nay, sau 16 năm gắn bó, cô Nhung vẫn luôn làm tốt vai trò của mình, luôn cố gắng tạo ra những giờ học chất lượng cao và đồng hành trong quá trình hình thành nhân cách của học trò, là một giáo viên chủ nhiệm được học trò, phụ huynh quý mến.
Những trái tim nhiệt huyết
"Công nghệ phát triển đến một mức nào đó có thể cung cấp kiến thức cho học trò bất cứ lúc nào nhưng tình cảm, nhiệt huyết, những bài học làm người mà các nhà giáo dành cho học sinh thì không máy móc nào thay thế được. Đó là vinh dự to lớn của những người theo nghề giáo. Với niềm tin, năng lực của đội ngũ giáo viên TP, tôi tin rằng sự nghiệp đổi mới giáo dục của TP sẽ thành công trong thời gian tới" - ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, bày tỏ.
Bình luận (0)