Trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng rút BHXH một lần, ở Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Liên quan đến đề xuất này, bạn đọc Hoàng Thị Thủy đặt vấn đề: "Ngoài 45 tuổi nếu mất việc làm thì ai sẽ nhận người lao động vào làm, trả lương đến 60, 62 tuổi?". Cùng góc nhìn, bạn đọc Nguyễn Đức Thuần bộc bạch: "Tôi đây 45 tuổi đang thất nghiệp, đi xin việc đây có doanh nghiệp nào nhận đâu mà quý vị bảo tuổi 45-47 đi làm để tham gia BHXH". Tương tự, một bạn đọc tên Bình góp ý: "Tôi thấy chính sách tạo điều kiện cho người 45 - 47 tuổi, thử hỏi với tuổi này ai nhận vào làm, mà thời gian trước tuổi này họ không tham gia. Tôi đây đã tham gia 37 năm rồi nếu chính sách cho rút 1 lần tôi cũng rút, đợi được đồng lương hưu quá lâu".
Theo một bạn đọc tên Long, nếu ban soạn thảo không nghĩ ra được chính sách tốt thì đừng đưa ra đề xuất. Cái chính là phải đưa ra được chính sách để người hút người lao động tham gia BHXH. Phải xem thực trạng đời sống của đa số người lao động là công nhân trong các doanh nghiệp sản xuất vốn tư nhân và đầu tư nước ngoài.... cái chính là cần giảm tuổi hưu, và những giải pháp ổn định an sinh trước mắt chứ không phải lâu dài. Theo nhiều bạn đọc, đối với lao động trực tiếp thì nên để cho họ có quyền nghỉ hưu hay không khi đã tham gia đủ từ 20~25 năm trở lên không phân biệt độ tuổi, đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều.
Bạn đọc Nguyễn Hải cho rằng thời gian đóng thì nhiều, tuổi hưu thì cao, lương hưu thì thấp là nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần. Nguyên nhân từ phía doanh nghiệp là ít nơi đóng BHXH đúng quy định nên mức lương hưu của người lao động rất thấp. Theo bạn đọc Trần Bình, BHXH là tiền của người lao động tích lũy để cân bằng cuộc sống. Do vậy, nên để cho người lao động lựa chọn năm nghỉ hưu nếu đủ điều kiện. Bạn đọc Nguyễn Văn Quý nhận xét: "Rất nhiều ý kiến, có người đóng sớm, có người đóng trễ. Theo tôi, cứ đóng đủ trên 25 năm BHXH tuổi trên 50 tuổi nam hay nữ được quyền nghỉ hưu. Bạn đọc Nguyễn Như mong mỏi: "Nam 55, nữ 50, đối với công nhân làm trong các nhà máy phải thức đêm, làm ca kíp"
Theo bạn đọc Nguyễn Ngọc Thanh, nên quy định đóng bao nhiêu năm hưởng bấy nhiêu năm. Ví dụ đóng 20 năm hưởng 20 năm, đóng 30 năm hưởng 30 năm bởi nguyên tắc của bảo hiểm là đóng hưởng. Một bạn đọc giấu tên viết: "Muốn người dân nhân được lương hưu thì phải có chế tài với công ty, cấm đuổi cũ tuyển mới, chỉ được tuyển đúng số lượng, còn hiện tại năm nào công ty cũng đuổi của tuyển mới, ai mà trụ được đến 50-60 tuổi.
Theo nhiều bạn đọc, sửa Luật BHXH nên nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi là về hưu đó là điều ai cũng mong muốn và đúng với thực tế của điều kiện hoàn cảnh của đất nước mình. Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Linh cho rằng sửa Luật BHXHnên hướng đến người lao động, có như vậy luật mới đi vào cuộc sống và lâu dài, đừng để qua thời gian ngắn lại sửa luật nữa tốn thời gian công sức của tất cả đại biểu quốc hội và mọi người
.
Bình luận (0)