Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong năm 2022, có 1.235 doanh nghiệp (DN) tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh phải giảm giờ làm hay cắt giảm lao động. Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm là 472.210 người. Trong đó, 30.270 lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và 9.441 lao động đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi bị ảnh hưởng, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Nhân văn, kịp thời
Chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động (NLĐ), ngày 16-1, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ra Nghị quyết 06/NQ-ĐCT về hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) do DN bị cắt, giảm đơn hàng. Cùng ngày, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định 6696/QĐ-TLĐ hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT.
Đối tượng hỗ trợ gồm đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, ngừng việc; tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương; chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), trong khoảng thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết ngày 31-3-2023. Mức hỗ trợ từ 1- 3 triệu đồng/người, tùy đối tượng.
Được thông tin về chính sách này, vợ chồng anh Đào Kiến Bảo (quê Hậu Giang) rất phấn khởi và mong chính sách sớm được triển khai để có thêm khoản tiền trang trải cuộc sống. Vợ chồng anh Bảo nằm trong số gần 1.200 CN bị Công ty TNHH Tỷ Hùng (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) cắt giảm vào đầu tháng 12-2022 do không có đơn hàng.
Thời điểm mất việc, vợ chồng anh mới làm việc tại công ty và tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hơn 6 tháng, do vậy không được hưởng TCTN. Do không xin được việc làm mới nên vợ chồng anh đành trở về quê. Trở lại TP HCM sau kỳ nghỉ Tết, anh Bảo nhận bốc hàng thuê chờ tìm công việc ổn định hơn. "Nếu thời điểm này nhận được khoản hỗ trợ, gia đình tôi sẽ nhẹ gánh hơn" - anh Bảo cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết Bình Dương có nhiều lao động bị giảm giờ làm, tạm hoãn HĐLĐ và cắt HĐLĐ do DN gặp khó khăn về đơn hàng. Dự báo những tháng đầu năm tình hình khó khăn vẫn chưa giảm.
"Do đó, việc ra đời Nghị quyết 06/NQ-ĐCT ngày 16-1-2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam là kịp thời, thiết thực. Khoản hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng không chỉ giúp NLĐ trang trải được một phần khó khăn hiện nay mà còn tạo động lực để họ quay lại thị trường lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN" - bà Loan nhấn mạnh.
Anh Đào Kiến Bảo mong gói hỗ trợ sớm đến tay để vơi nhẹ gánh lo. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện
Ông Mai Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết công ty gặp khó khăn về đơn hàng bắt đầu từ quý II/2022. Tuy nhiên, ban giám đốc vẫn cố gắng bố trí việc làm cho NLĐ, có thời điểm CN chỉ được làm 1 tuần từ 3-4 ngày. Đến tháng 12-2022, công ty không thể gồng nổi nên buộc phải thỏa thuận với NLĐ để tạm hoãn HĐLĐ với khoảng 1.900 người. Dự kiến sang quý II/2023, NLĐ mới quay trở lại công ty làm việc.
Ông Tuyền đánh giá chính sách hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam là nhân văn, tiếp sức kịp thời cho NLĐ trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những chính sách hỗ trợ trước đây như hỗ trợ NLĐ là F0 hay hỗ trợ tiền thuê nhà, lần này nên giảm bớt thủ tục và phải thực hiện nhanh, gọn để NLĐ được nhận tiền sớm" - ông Tuyền nói. Theo ông, tiền hỗ trợ nên chuyển thẳng vào số tài khoản của NLĐ thay vì chuyển một cục cho DN.
Theo khảo sát của LĐLĐ quận Bình Tân, sau Tết có 11 DN gặp khó vì ít đơn hàng nên khả năng NLĐ bị mất việc, giảm giờ làm sẽ tăng, nhất là vào cuối quý I/2023. Đây là thời điểm chấm dứt nhận hồ sơ theo Quyết định 6696/QĐ-TLĐ nên có thể gây quá tải cho cơ quan tiếp nhận (Công đoàn cấp trên cơ sở). Do vậy, cần nới rộng thời gian giải quyết hồ sơ.
Do không có đơn hàng nên cuối năm 2022, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP HCM) đã cắt giảm hơn 1.400 CN. Hiện tại, ngoài tạm hoãn HĐLĐ với khoảng 500 lao động, nhiều lao động khác cũng đang được công ty bố trí nghỉ luân phiên không hưởng lương và đây là đối tượng thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn công ty, đang băn khoăn với điều kiện hỗ trợ đối với NLĐ tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương.
Cụ thể, tại Quyết định 6696/QĐ-TLĐ quy định NLĐ phải tạm hoãn HĐLĐ từ 30 ngày liên tục trở lên do DN bị cắt, giảm đơn hàng mới được hỗ trợ, song thời gian tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1-10-2022 đến hết 31-3-2023, đây là khoảng thời gian bao gồm kỳ nghỉ Tết. "Những ngày nghỉ Tết theo quy định, công ty vẫn trả lương cho CN, vậy thì có được tính là nghỉ liên tục không?" - ông An thắc mắc.
Ông PHAN VĂN ANH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Công khai, minh bạch
Nguyên tắc hỗ trợ theo Nghị quyết 06/NQ-ĐCT là bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra lợi dụng, trục lợi trong quá trình thực hiện. Mỗi đoàn viên Công đoàn, NLĐ (làm việc theo HĐLĐ tại DN có đóng kinh phí Công đoàn trước ngày 30-9-2022, bị giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1-10-2022 đến hết 31-3- 2023) được nhận hỗ trợ một lần bằng tiền. NLĐ không là đoàn viên được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% so với mức hỗ trợ đối với NLĐ là đoàn viên Công đoàn. NLĐ không là đoàn viên nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, NLĐ đang nuôi con đẻ, con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hưởng mức hỗ trợ như đoàn viên Công đoàn. Kinh phí thực hiện hỗ trợ chi từ nguồn tài chính của Công đoàn cấp trên cơ sở.
Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu các cấp Công đoàn tổ chức triển khai nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần san sẻ khó khăn với NLĐ.
V.Duẩn
Bình luận (0)