Một thực tế cho thấy nhiều lao động trẻ có kinh nghiệm, tay nghề cao đã không quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, họ đang tìm hướng đi mới cho riêng mình sau bao năm vất vả làm công nhân (CN). Đa số họ là lao động trẻ năng động, nhiệt huyết với quyết tâm thay đổi để vươn lên, họ đã chọn con đường "xuất ngoại".
Muốn thử thách bản thân
"Tôi có gần 4 năm làm CN lắp ráp điện tử tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) với mức thu nhập cuối cùng gần 8 triệu đồng/tháng. Trước Tết, tôi đã xin nghỉ ở công ty để tìm hướng đi mới. Tôi tìm hiểu thấy chi phí cho 3 năm làm thực tập sinh tại Nhật Bản khoảng hơn 90 triệu đồng, bằng với số tiền tôi dành dụm được. Muốn thay đổi và thử thách bản thân, tôi đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật. Sắp tới, tôi sẽ lên TP HCM để học tiếng Nhật và chuẩn bị xuất cảnh trong khoảng 7 tháng nữa". Đó là chia sẻ của bạn Phạm Hữu Nhật Long (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) ngay sau khi nộp hồ sơ thành công tại một công ty chuyên đào tạo và phái cử lao động sang Nhật tại quận Tân Bình, TP HCM.
Lao động trẻ Đồng Tháp trước khi sang Nhật Bản làm việc
Long cho biết mình đam mê điện tử và đã có bằng cao đẳng nghề nên rất tự tin thử sức ở môi trường mới. Ở quê Long, rất nhiều bạn đã sang Nhật làm việc và nhiều bạn đã giúp gia đình đổi đời nhờ tiền lương kha khá gửi về. Long cũng muốn giúp gia đình thoát nghèo bởi ba mẹ Long làm nông mà nhà lại đông con. Các em của Long rất mong chờ sự đột phá của Long để noi theo. "Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tôi không kiếm được việc làm phù hợp nên làm CN. May mắn là đúng ngành nên gắn bó được gần 4 năm. Tuy nhiên, do mức thu nhập tăng khá chậm trong khi công việc không có gì thay đổi, cứ đều đều, dễ nhàm chán. Mục tiêu của tôi là làm và học lên để có cái nghề sau này về nước có thể khởi nghiệp hoặc làm cho các công ty lớn hơn, có thu nhập cao hơn. Quan trọng hơn là phụ giúp cha mẹ lo cho 2 đứa em ăn học đến nơi đến chốn" - Long chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Nông Lâm ngành công nghệ chế biến, Trần Ngọc Như (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) vẫn loay hoay tìm việc làm. Qua thông tin báo đài, Như nhận thấy "xuất ngoại" là cơ hội để mình trưởng thành. Được sự tư vấn của trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh và nghiên cứu kỹ về hiệu quả của chương trình đi làm việc ở nước ngoài, Như đăng ký tham gia và được gia đình ủng hộ.
Như cho biết đây là cơ hội tốt để có được việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng hơn hết là cơ hội được học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để trưởng thành hơn tại một cường quốc công nghiệp như Nhật Bản. "Từ nhỏ, tôi đã rất mê những sản phẩm của Nhật, nếu có cơ hội học tập, làm việc với người Nhật ngay trên đất nước Nhật thì còn gì bằng. Tôi quyết tâm học tiếng Nhật thật tốt để học được nhiều hơn. Hy vọng sau 3 năm, 5 năm ở Nhật, tôi sẽ tự tin trở về để xây dựng quê hương mình. Ở quê tôi, nhiều anh chị đã khởi nghiệp rất thành công sau khi làm thực tập sinh từ Nhật trở về, tôi nghĩ mình cũng làm được" - Như chia sẻ.
Hỗ trợ tối đa
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp, bà Nguyễn Thị Minh Tuyết, cho biết từ sau Tết đến nay, các lao động trẻ đến trung tâm tìm hiểu, đăng ký đi XKLĐ rất nhiều. Đa số là các em mới tốt nghiệp THPT, cũng có rất nhiều em sau nhiều năm làm CN cũng ý thức được cơ hội đi XKLĐ để thay đổi cuộc sống cũng đến đăng ký. "Với chính sách hỗ trợ của tỉnh, các bạn trẻ Đồng Tháp đã lên đường sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc làm việc rất nhiều. Đặc biệt là các lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn được tỉnh hỗ trợ tối đa như cho vay tín chấp để được sang nước ngoài làm việc. Chúng tôi cho rằng việc khuyến khích lao động trẻ sang nước ngoài làm việc là cơ hội lớn để tỉnh có nguồn lao động chất lượng cao trong tương lai" - bà Tuyết nói.
Theo bà Tuyết, kể từ khi tái khởi động chương trình đưa lao động đi nước ngoài làm việc vào năm 2015, đến nay đã có hơn 6.000 lao động trẻ Đồng Tháp đang làm việc tại nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ khác nhau nhưng chủ yếu là ở Nhật Bản. Ông Trần Quốc Ninh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nhật Huy Khang, cho biết trong năm 2018, công ty đã đưa được 1.400 lao động sang nước ngoài làm việc, trong đó hơn 30% là lao động trẻ Đồng Tháp. "Sở dĩ công ty đặt niềm tin đối với lao động của tỉnh này là bởi tính cần cù, chịu khó và tiếp thu nhanh, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện gần như tối đa của lãnh đạo tỉnh" - ông Ninh nói và cho biết thêm trong năm 2019, công ty có kế hoạch tuyển nhiều lao động bởi các chính sách nới lỏng của Nhật Bản để thu hút lao động nước ngoài. Do đó, cơ hội cho lao động trẻ rất rộng mở. Tuy nhiên, việc tư vấn, đào tạo - đặc biệt là đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp - phải nâng cao hơn để lao động có nhiều cơ hội hơn trên đất Nhật.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, Bình Dương luôn thiếu nguồn lao động có tay nghề do xu hướng nhiều lao động chọn con đường đi XKLĐ. Ngay cả những lao động tại tỉnh cũng chọn đi XKLĐ ngày một nhiều bởi sức hút về thu nhập, điều kiện làm việc và cơ hội học tập tốt hơn".
Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương
Bình luận (0)