Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết hiện nhu cầu tuyển dụng lao động trong các ngành kỹ thuật, kỹ sư công trình và quản lý xây dựng tại Lào khá lớn. Mức thu nhập cho những công việc này khá cao khi nhà tuyển dụng sẵn sàng trả trên cả ngàn USD, tương đương khoảng 23-25 triệu đồng/tháng.
Cơ hội cho lao động kỹ thuật
Một báo cáo của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) cũng cho thấy hiện có khoảng 13.000 lao động người Việt tại Lào, chủ yếu làm việc trong các ngành như thủy điện, xây dựng, lâm - nông sản và khai khoáng. Mức thu nhập nói lên sự hấp dẫn của thị trường lao động nước này.
Kỹ sư và công nhân Việt Nam thi công thủy điện Namngiep 1, tỉnh Borikhamxay Ảnh: GIANG NAM
AVIL cho biết chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc đối với lao động Việt Nam tại Lào được bảo đảm tốt, tạo động lực để họ yên tâm làm việc. Ngoài lương, thưởng, người lao động (NLĐ) cũng được hưởng đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, nghỉ phép, lễ, Tết theo quy định của pháp luật Việt Nam và Lào.
Ông Phạm Duy Hòa, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Champasak, nói rằng trong thời gian tới, Lào cần rất nhiều lao động có trình độ kỹ sư để phục vụ cho sự phát triển bởi Lào đang trong giai đoạn chuyển mình đổi mới, phát triển đất nước. Theo ông Hòa, so với lao động trình độ cao đến từ Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan thì lao động Việt Nam có nhiều ưu thế hơn bởi kỹ năng và năng suất làm việc đã được chứng minh. Nhiều công trình lớn được chính phủ Lào tin tưởng giao cho các doanh nghiệp Việt Nam thi công nên việc sử dụng lao động từ Việt Nam là điều đương nhiên. Lao động Việt cũng được chủ sử dụng lao động các nước khác đến Lào đầu tư tin dùng bởi sự am hiểu và mối quan hệ thân hữu Việt - Lào.
Trò chuyện với anh Lê Đình Thưởng (29 tuổi, quê Quảng Trị) đang làm chỉ huy trưởng hạng mục khoan thăm dò tại công trình giao thông liên tỉnh lớn ở tỉnh Attapeu, anh cho biết sau khi ra trường không lâu, anh đã sang Lào làm việc theo gói hợp đồng mà công ty anh làm ở Việt Nam trúng thầu. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng với chuyên ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông được đào tạo tại Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (TP Đà Nẵng), anh đã được tin tưởng giao trọng trách tại công trình trọng điểm này. "Về công việc, ở đây khó khăn hơn bởi hạ tầng giao thông, viễn thông của Lào chưa phát triển bằng Việt Nam nên việc vận chuyển vật tư và kết nối liên lạc không thuận lợi cho lắm. Tuy nhiên, nếu sang đây để trải nghiệm, học hỏi và tích lũy thì bản thân tôi thấy hay hơn ở Việt Nam. Mức thu nhập của tôi ở đây hơn 1.000 USD, cao hơn ở Việt Nam chỉ khoảng 150 USD nhưng số tiền tiết kiệm được lại khá cao vì chi phí rất thấp" - anh Thưởng cho biết.
Nói về tiềm năng cho những kỹ sư trẻ người Việt, anh Thưởng chia sẻ hiện các công trình xây dựng lớn của Lào tuyển khá nhiều vị trí và gần như họ luôn chào đón các kỹ sư được đào tạo tại Việt Nam. Lý do các nhà thầu chọn kỹ sư Việt Nam là sự tương đồng về trình độ, khả năng xử lý công việc khá hiệu quả, khả năng tương tác với người bản địa tốt và mức lương cạnh tranh hơn so với các kỹ sư đến từ Thái Lan, Trung Quốc. Đã hơn 3 năm làm việc tại Lào, năm nào Thưởng cũng được công ty cho về Việt Nam thăm gia đình 2 lần vào dịp lễ, Tết ở quê nhà. Khó khăn duy nhất mà Thưởng chia sẻ với chúng tôi là thủ tục xin visa lao động hơi nhiêu khê khi Lào cấp visa lao động cho người nước ngoài chỉ 12 tháng, cứ hết hạn lại đi xin cấp mới với chi phí gần 9 triệu đồng cho một lần xin cấp.
Tăng cường hợp tác lao động
Tiềm năng cho lao động Việt tại Lào là rất lớn nhưng một thực trạng khá nhức nhối đang diễn ra trên đất Lào cũng lớn không kém. Đó là lao động tự do, không giấy phép vẫn ồ ạt sang Lào bằng đường phi chính thức, tự phát. Đây chính là rủi ro lớn nhất mà lao động Việt đối mặt khi làm việc không hợp pháp tại Lào.
Ông Lê Đức Lộc, Hội Người Việt tỉnh Attapeu, cho biết đã phải đứng ra bảo lãnh cho nhiều lao động làm việc không hợp pháp khi gặp rắc rối với chính quyền sở tại. "Cũng khó cho chúng tôi nhưng bằng mối quan hệ rất tốt của hội và chính quyền, chúng tôi đã giúp nhiều trường hợp tránh được những án phạt. Về lâu dài, chúng tôi khuyên lao động Việt sang Lào nên tuân thủ pháp luật lao động của Lào" - ông Lộc nói. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết từ tháng 7-2013, bộ đã ký kết hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào, điều chỉnh các hình thức lao động phù hợp tình hình thực tế, quy định cụ thể về thủ tục xin cấp giấy phép lao động, đăng ký lưu trú, các loại phí liên quan, chế độ bảo hiểm, y tế, xử lý tranh chấp... nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của lao động Việt Nam tại Lào.
Đại diện Dolab cho rằng hiệp định hợp tác lao động Việt - Lào là căn cứ để các doanh nghiệp dịch vụ của hai quốc gia tiến hành đưa lao động nước này sang làm việc tại nước kia, cũng là những chuẩn mực để người sử dụng lao động phải tuân theo khi sử dụng lao động của nước bạn tới làm việc. Đồng thời, hạn chế tình trạng lao động di cư tự do, làm những công việc tự do dễ dẫn đến việc vi phạm pháp luật nước bạn.
Cần lưu ý
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Champasak (Lào) cho biết NLĐ muốn làm việc, lao động hợp pháp, có thời hạn tại Lào bắt buộc phải có hợp đồng lao động ký với chủ sử dụng lao động Lào hoặc nhà đầu tư hợp pháp của Việt Nam hoặc nước khác đầu tư tại Lào (nhà đầu tư này được phép tuyển dụng lao động nước ngoài). Sau khi được chấp thuận, NLĐ Việt Nam sang Lào phải làm các thủ tục: Xin cấp thẻ lao động tại sở lao động cấp tỉnh nơi NLĐ làm việc, lệ phí 125 USD cho thời hạn 1 năm. Xin cấp thẻ tạm trú tại công an cấp tỉnh, lệ phí 115 USD cho thời hạn 12 tháng.
Bình luận (0)