xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Liên tục nhiều chủ công ty biến mất

BẠCH ĐẰNG

Thời gian qua, nhiều công ty Hàn Quốc trong ngành may mặc, da giày đột ngột bỏ trốn hoặc nợ lương, nợ BHXH dai dẳng khiến công nhân điêu đứng

Trước Tết nguyên đán 2018, hơn 2.000 công nhân (CN) Công ty KL Texwell Vina tại Đồng Nai (100% vốn Hàn Quốc) chới với vì toàn bộ lãnh đạo công ty đột nhiên biến mất, để lại khoản nợ lương và nợ BHXH hơn 30 tỉ đồng. Nhiều CN không có tiền để về quê, đóng tiền nhà trọ cùng các khoản sinh hoạt khác. Được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, CN được tạm ứng từ ngân sách một phần lương, trong khi các khoản bảo hiểm vẫn chưa được giải quyết.

Đầu tư… cục nợ

Tại TP HCM cũng xảy ra 2 trường hợp tương tự khi lãnh đạo 2 công ty Hàn Quốc cũng lặng lẽ biến mất. Tại KCN Tây Bắc Củ Chi, hơn 600 CN Công ty Nam Phương chẳng biết làm gì ngoài ngừng việc tập thể khi chủ công ty đột nhiên vắng mặt với khoản nợ lương, BHXH hơn 30 tỉ đồng. Cùng thời điểm, Công ty Bum Jin Vina tại KCN Vĩnh Lộc A cũng đột ngột đóng cửa để lại các khoản nợ khiến CN hoang mang.

Trước đó vào cuối năm 2015, chủ Công ty Keo Hwa Vina tại huyện Hóc Môn cũng đã âm thầm biến mất cùng khoản nợ lương và BHXH gần 20 tỉ đồng của hơn 1.000 CN. Được sự hỗ trợ khởi kiện của Công đoàn, CN đã nhận được một phần tiền lương, còn BHXH thì coi như mất.

Liên tục nhiều chủ công ty biến mất - Ảnh 1.

Công nhân Công ty Nam Phương ngừng việc khi chủ công ty vắng mặt Ảnh: MAI CHI

Trường hợp tương tự, mất nhiều thời gian hơn để CN đòi lại quyền lợi của mình là năm 2013, Công ty Sae Hwa Vina tại huyện Củ Chi đóng cửa, chủ biến mất với khoản nợ lương và BHXH hơn 10 tỉ đồng. Sau 4 năm ủy quyền khởi kiện với hàng loạt vướng mắc, đến năm 2017, CN mới nhận được lương của mình.

Các sự việc đáng tiếc cũng đã xảy ra ở nhiều công ty có vốn Hàn Quốc như Công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn) năm 2013, Công ty Hojin (quận Bình Tân) năm 2014...

Nhiều nguy cơ từ doanh nghiệp nhỏ

Theo TS Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động, các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực dệt may, da giày... đầu tư sang Việt Nam có 2 loại. Nhóm thứ nhất là các nhà cung ứng, gia công làm chi nhánh của các nhãn hàng lớn của Hàn Quốc. Với tiềm lực tài chính mạnh, khi sang một nước thứ ba, họ thường mang theo cả một chuỗi sản xuất gồm nhiều khâu như nhuộm, dệt, may… Những công ty này thường không gặp vấn đề gì nghiêm trọng ở nước sở tại.

Nhóm thứ hai là những công ty nhỏ lẻ, vốn ít, sang Việt Nam thuê mướn nhà xưởng, CN. Thay vì làm cả nhuộm, sản xuất nguyên vật liệu, rồi đến gia công may, hoàn thiện sản phẩm... thì họ chỉ làm mỗi công đoạn may gia công, một công đoạn nhỏ trong toàn bộ chuỗi của ngành dệt may và da giày. "Lợi nhuận trong công đoạn gia công rất thấp nên đơn hàng có biến động, chi phí, thị trường dao động một chút là các ông chủ này hụt hơi, không còn lợi thế cạnh tranh nữa" - bà Chi cho biết.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngành may ở Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn do không được ưu đãi thuế quan vào một số thị trường lớn như EU hay Mỹ, mức thuế rất cao. Một số ông chủ Hàn Quốc vào Việt Nam trước giờ vẫn có ý chờ đợi các hiệp định thương mại để giảm thuế thì nay vẫn phải chờ. Các công ty bắt đầu cạn đơn hàng vì các đơn hàng bắt đầu di chuyển sang các nước kém phát triển hơn, nhân công rẻ hơn và được ưu đãi thuế quan.

Phải học cách từ chối

Theo bà Đỗ Quỳnh Chi, giải pháp quan trọng là khi các địa phương nhận đầu tư, việc xác minh về nhà đầu tư phải được thực hiện kỹ càng. Hiện nay, công tác này chưa được thực hiện tới nơi tới chốn, một phần do rào cản ngôn ngữ, một phần xuất phát từ chính nhu cầu cần thu hút đầu tư của các địa phương. Bà Chi cho rằng từ chối đầu tư có thể khó khăn nhưng phải cân nhắc giữa nhu cầu kêu gọi đầu tư và hậu quả khi những công ty dạng này để lại cho chúng ta. Chúng ta kêu gọi đầu tư để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội chứ không phải để rồi ôm lại một mớ hỗn độn, ngổn ngang mà thiệt thòi nhất vẫn là người lao động.

Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP HCM, hiện nay việc quản lý các doanh nghiệp có nguy cơ khá lỏng lẻo, trong khi hậu quả họ để lại không chỉ là nợ lương mà còn nhiều vấn đề khác, giá trị tài sản bỏ lại không bao nhiêu với khoản nợ.

"Cuối năm họ bảo về nước ăn Tết thì chúng ta phải làm sao? Ngay cả khi thấy chủ biến mất thì bao lâu mới có thể quy cho là bỏ trốn để tiến hành ngay các thủ tục cần thiết? Nhiều vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm trời để giải quyết quyền lợi cho người lao động do phát sinh nhiều vướng mắc". 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo