Chung vui cùng 15 doanh nghiệp (DN) nhận giải thưởng “Các DN có chính sách nhân sự xuất sắc”, ông Edward Foong, Tổng Thư ký Viện Nghiên cứu Quản trị nguồn nhân lực Singapore (SHRI), khẳng định: “Nhiều DN đã kết hợp thành công những ưu điểm về nhân sự của các loại hình DN, góp phần ổn định nguồn nhân lực, phát triển sản xuất”. Giải thưởng do Công ty Talentnet phối hợp với Báo Lao động Xã hội tổ chức mới đây.
Nhờ “thổ địa” tuyển dụng
Mô hình quản trị nhân lực hiệu quả ngày càng được nhiều DN áp dụng. Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động trung bình mỗi tháng tuyển 400 nhân viên khối siêu thị. Với địa phương vùng sâu, vùng xa, việc tìm ứng viên đáp ứng yêu cầu của công ty là bài toán khó giải. Bộ phận tuyển dụng đã tận dụng sự trợ giúp từ xa của các chi nhánh ở 63 tỉnh, thành. Những “thổ địa” này hỗ trợ việc rao tuyển, cung cấp địa chỉ website mà giới trẻ địa phương thường truy cập, tư vấn cách truyền thông phù hợp ở từng khu vực…
Không chỉ có tiếng nói có trọng lượng trong tuyển dụng, Phòng Nhân sự của Thế Giới Di Động còn toàn quyền xử lý mọi vấn đề về nhân sự. “Phòng kinh doanh chỉ cần cung cấp 3 thông tin cơ bản: Địa điểm, doanh thu ước lượng và ngày khai trương dự kiến cho phòng nhân sự khi có kế hoạch mở một siêu thị mới tại một tỉnh, thành bất kỳ. Phòng nhân sự sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm cung cấp đủ số lượng lao động với đủ các tiêu chí” - ông Nguyễn Đức Tài, tổng giám đốc công ty, dẫn chứng.
Ở lĩnh vực công nghệ, tỉ lệ lao động nữ chỉ chiếm 3%-4% tổng số sinh viên tốt nghiệp hằng năm. Tuy vậy, hiện ở Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, nhân viên nữ chiếm đến 40% lao động, 30% quản lý các cấp của công ty là nữ.
Bà Sherry S. Boger, tổng giám đốc công ty, cho hay chính sách tiếp cận nguồn nhân lực ngay từ trường học được lãnh đạo DN đẩy mạnh. Cụ thể, công ty chủ động tổ chức giới thiệu, truyền thông hình ảnh đến học sinh, sinh viên khối kỹ thuật. Các bạn trẻ được tạo cơ hội đến công ty tham quan phòng, ban, nhà máy… Công ty còn thực hiện chương trình nhân viên giới thiệu bạn bè, người thân, thực tập viên; tận dụng mạng xã hội để đa dạng hóa kênh tuyển dụng.
Tạo cơ hội thăng tiến
Trong xu hướng cạnh tranh, nhiều DN còn áp dụng “bí kíp” trong việc kiểm soát, ổn định nhân sự khi công ty thay đổi về tổ chức hoặc tái cấu trúc.
Công ty TNHH CSC Việt Nam là một trong những DN thay tên, đổi chủ nhiều lần. Theo ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc công ty, khi tổ chức có biến cố, nhân viên thường muốn tìm nơi làm việc mới. Song, bất chấp những biến chuyển về quy mô, tổ chức; người lao động (NLĐ) vẫn chung thủy, tích cực làm việc ở CSC Việt Nam.
Để đối phó nguy cơ bất ổn nhân sự khi cơ cấu thay đổi, công ty mở lớp tiếng Anh, khuyến khích nhân viên đi học; thực hiện chương trình “luân chuyển nhân viên ra nước ngoài công tác”, mở ra cơ hội tích lũy kinh nghiệm, thăng tiến cho NLĐ. 70% kỹ sư của CSC Việt Nam đã và đang làm việc với khách hàng của công ty ở nhiều quốc gia như Anh, Úc… Bên cạnh đó, công ty còn hoạt động theo mô hình “ma trận”.
Ông Phương cho biết: “Một nhân viên có thể có nhiều quản lý trực tiếp: Quản lý dự án, quản lý chung… Các quản lý sẽ phối hợp cùng nhau đưa ra mục tiêu cần thực hiện trong 1 năm và đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên. Hệ thống đánh giá năng suất làm việc online cũng giúp quản lý hiệu quả, công việc được cập nhật thường xuyên”.
Trước năm 2009, công tác nhân sự của Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công còn mang đậm nét đặc trưng của DN nhà nước. Lãnh đạo DN chưa kiểm soát được nhân viên. Vì vậy, công ty thường xuyên thiếu hụt lao động. Khắc phục tình trạng trên, từ năm 2009 đến nay, công ty không ngừng khuyến khích CNVC-LĐ rèn luyện, phát huy sáng kiến phục vụ kinh doanh, sản xuất.
Nhiều ý tưởng của NLĐ đã giúp DN tiết kiệm không ít chi phí, như: tái sử dụng hóa chất thuốc nhuộm (tiết kiệm 365.000 USD), xử lý bùn độc hại (tiết kiệm 132.000 USD). “Công ty không chỉ là nơi làm việc mà còn là trường học tri thức, nhân cách của mỗi nhân viên” - ông Nguyễn Hữu Tuấn, giám đốc nhân sự công ty, tự hào.
Số DN Việt Nam tham gia giải thưởng còn rất khiêm tốn, chỉ chiếm 26% tổng số DN tham gia. Do đó, số DN trong nước được vinh danh trong các hạng mục chỉ chiếm 30% tổng số giải thưởng.
Bình luận (0)