Sáng 23-8 tại KCX Tân Thuận (quận 7), Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Tân Thuận và Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM (Hepza). Hàng loạt vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động (NLĐ) như nhà ở, thiết chế văn hóa, cơ chế tổ chức đình công… đã được người đứng đầu Đảng bộ TP đặt ra với mong muốn các ngành, các cấp và đặc biệt là tổ chức Công đoàn (CĐ) vào cuộc quyết liệt hơn nhằm giúp công nhân (CN) có cuộc sống ổn định.
Công nhân chê khu lưu trú
“Đã gọi là TP sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì lực lượng CN phải được chăm lo thỏa đáng”. Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng gợi mở như vậy khi bắt đầu buổi làm việc.
Theo ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, hiện KCX này có hơn 61.000 CN. Trong đó, khoảng 41.000 người đến từ các tỉnh, nhu cầu về nhà ở là rất lớn. Tuy nhiên, ngay từ đầu, khi quy hoạch, xây dựng KCX Tân Thuận, các đơn vị liên quan đã không tính đến chuyện bố trí nhà ở trong KCX hoặc chỉ tính tới CN tại chỗ mà chưa lo cho CN từ nơi khác về. Thực tế, quá trình phát triển KCX đã nảy sinh thêm nhu cầu này, trong khi quỹ đất đã lấp đầy. Đó cũng là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp (DN) tự bỏ tiền đầu tư xây dựng khu lưu trú (KLT) cho CN.
Ông Hồng cho biết trong khi một số KLT lấp đầy 90% thì vẫn còn nhiều khu khác chỉ đạt 30%-50%, dù giá thuê rất rẻ, thậm chí CN được ở miễn phí. “Vấn đề này cần được mổ xẻ, phân tích một cách toàn diện mới có hướng giải quyết. Tâm lý chung của CN ngoại tỉnh là muốn được nhìn nhận như công dân TP HCM chứ không phải là người nhập cư. KLT xây dựng theo kiểu ký túc xá chỉ mang tính tạm thời, không có tính ổn định lâu dài” - ông Hồng lý giải.
Theo ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7, nhiều CN ngoại tỉnh hiện thuê trọ rải rác khắp 10 phường trong quận. Dù KLT có giá thuê thấp nhưng giờ giấc gò bó nên họ ngại vào ở. “Tại sao nhà trọ dân làm thì CN chịu vào ở, còn KLT thì vắng hoe? Việc này cần được mổ xẻ để tìm ra lời giải. Ngay cả khi CN chưa có nhu cầu thì chúng ta vẫn phải xúc tiến làm vì nếu trong tương lai, khi chúng ta siết chặt quản lý các nhà trọ thì TP không có sẵn quỹ đất xây nhà lưu trú. Lúc đó CN sẽ đi đâu?” - ông Bình băn khoăn và cho biết UBND quận 7 đang rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch, dự kiến dành 10 ha đất có thể xây dựng KLT cho CN.
Dẫn chứng mô hình hiệu quả của tỉnh Bình Dương khi xây nhà bán cho CN với giá chỉ 100 triệu đồng/căn, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt vấn đề TP HCM có thể nghiên cứu và áp dụng được không? Nếu muốn làm theo Bình Dương thì TP HCM cần gì? Gợi ý giải pháp tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho CN, theo ông, chỉ cần TP tạo được quỹ đất tốt và có chính sách hỗ trợ tốt thì sẽ thu hút nhà đầu tư mà không cần đến ngân sách. Sau đó, bán lại cho CN theo nhiều hình thức, có thể trả góp lâu dài.
Bên cạnh đó, phải tính toán đến cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa xung quanh KLT để thu hút CN vào ở. “Cần phải tính toán xây thêm trường học, trạm y tế, khu vui chơi công cộng gần KLT… để thu hút CN. Ngoài ra, phải tiến hành khảo sát kỹ xem CN thực sự cần gì để thiết kế và xây dựng cho đúng, chứ không phải chỉ thuần túy là giá rẻ” - Bí thư Thành ủy lưu ý.
Không được phân biệt đối xử
“Tôi gặp CN hỏi họ làm việc xong thì giải trí vào chuyện gì, có người bảo chỉ đi hát karaoke. KLT có hồ bơi nhưng hỏi CN có đi bơi không thì họ lắc đầu. Có cô CN được tặng cái radio nhưng cũng gửi về quê cho ông bà. Theo tôi, việc chăm lo đời sống tinh thần của CN như vậy vẫn chưa ổn” - ông Đinh La Thăng chỉ rõ.
Theo ông Trần Thanh Hồng, hoạt động văn hóa phục vụ NLĐ còn rất ít và nghèo nàn. Phần lớn CN đều phải tăng ca để kiếm thêm thu nhập và điều này khiến họ ít có cơ hội tiếp cận văn hóa. Ông Lâm Đình Thắng, Phó Bí thư Thành đoàn TP HCM, cũng thừa nhận Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP vẫn còn nhiều mảng không hiệu quả, trong khi hoạt động rất đa dạng.
Trước thực trạng nghèo nàn về đời sống tinh thần của CN, Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng cần phải đổi mới hoạt động của các nhà văn hóa, nhất là trung tâm sinh hoạt CN. “Tăng ca là điều khó tránh khỏi. Do vậy, Hepza, CĐ, Đoàn Thanh niên và các sở, ngành cần nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp để giúp CN nâng cao đời sống tinh thần. Việc tổ chức các hoạt động chăm lo phải mang tính kết nối, có chiều sâu giữa các bên liên quan” - ông yêu cầu.
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM, hoạt động chăm lo cho CN còn thiếu vai trò của một người nhạc trưởng. “Lực lượng CN là những người cùng DN tạo ra của cải, đóng góp nhiều cho sự phát triển của TP HCM. Vì thế, chăm lo cho họ là trách nhiệm của Đảng bộ và chính quyền TP. Phải xem CN từ nơi khác đến là công dân của TP chứ không được phân biệt, đối xử” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tổ chức cho công nhân đình công đúng luật
Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy “CĐ đã tổ chức cuộc đình công nào thành công chưa?”, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận thời gian qua, các cuộc đình công chủ yếu là tự phát. CĐ chưa tổ chức được cuộc đình công nào cho CN theo quy định.
Theo ông Đinh La Thăng, nhiều cuộc đình công tự phát đem lại kết quả cho CN, như vậy rõ ràng yêu cầu của họ là chính đáng. “Phải đặt câu hỏi vì sao chủ DN chấp nhận khi CN đình công, còn CĐ xuống thương lượng thì họ không đồng ý. Tại sao CĐ không tổ chức đình công theo luật cho CN?” - ông băn khoăn. Từ thực tiễn đó, ông Đinh La Thăng đề nghị tổ chức CĐ mạnh dạn tổ chức các cuộc đình công cho CN nếu việc này bảo vệ tốt cho NLĐ.
Bà Trần Kim Yến cho biết sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện quy trình đình công, nhằm bảo đảm vai trò của tổ chức CĐ đối với việc bảo vệ quyền lợi cho CN.
Bình luận (0)