Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu công nhân (CN), trong đó có gần 700.000 CN đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN). Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai và Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đang thiếu hơn 60.000 lao động do nhiều người lao động (NLĐ) về quê chưa trở lại.
Điều kiện sống tạm bợ
Đầu tháng 7-2021, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Số ca bệnh tăng nhanh, tập trung chủ yếu tại những nơi đông người như chợ, DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh.
Lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp đe dọa đến tính mạng NLĐ, nhiều DN có đông CN không thể thực hiện phương án "3 tại chỗ" đành phải tạm ngưng sản xuất. Hàng trăm ngàn NLĐ rơi vào tình trạng mất việc làm, bị ngừng việc. Khi phải ngừng việc, CN tập trung sinh sống trong các khu nhà trọ đông đúc, chật chội. Do không bảo đảm các điều kiện cần thiết về phòng chống dịch nên số ca nhiễm Covid-19 tại các khu nhà trọ CN trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa tăng nhanh.
Một CN làm việc tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) cho hay cả khu trọ có hơn 10 phòng, giữa các dãy nhà cách nhau chỉ hơn 1 m. Mỗi phòng trọ chỉ rộng khoảng 12 m2 nhưng có tới 3-4 người ở. Có nhiều gia đình có con nhỏ, cha mẹ già cũng ở chung trong phòng trọ. Từ 1 ca nhiễm bệnh ban đầu, chỉ sau vài ngày, tất cả mọi người trong khu trọ đều bị nhiễm bệnh do sinh hoạt chung trong không gian quá chật hẹp, không bảo đảm quy định 5K.
Một khu nhà trọ công nhân đạt chuẩn trên địa bàn phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai
Tại nhiều cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết đi kiểm tra thực tế tại các khu nhà trọ CN trên địa bàn, ông nhận thấy nhiều khu nhà trọ quá chật chội, ẩm thấp, quanh năm không thấy ánh sáng mặt trời.
"CN là tài sản quý để thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh của DN nói riêng và của tỉnh nói chung nhưng chưa được chăm sóc, hỗ trợ đúng mức. Ngoài một số DN thể hiện trách nhiệm qua việc xây ký túc xá, nhà ở cho NLĐ, vẫn còn nhiều DN bỏ ngỏ vấn đề này" - ông Dũng nói. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng thẳng thắn thừa nhận việc xây dựng nhà ở xã hội cho CN, người có thu nhập thấp trong tỉnh còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của NLĐ. Điều kiện sống không bảo đảm dẫn đến cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của NLĐ không nhiều. Số DN xây dựng nhà trẻ để chăm sóc, giữ con CN cũng chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.
Khẩn trương xây dựng thiết chế Công đoàn
Để giữ chân và thu hút NLĐ đến Đồng Nai làm việc, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Xây dựng kiểm tra các khu nhà trọ CN trên địa bàn, những nơi nào đủ điều kiện cần thiết thì cho hoạt động. Nơi nào không đủ điều kiện thì phải sửa chữa. Các DN khi đến sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai phải có kế hoạch xây dựng nhà ở cho CN.
Trong nỗ lực ổn định đời sống NLĐ, mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Nai đã ký cam kết quy chế phối hợp thực hiện dự án thiết chế Công đoàn tại Đồng Nai. Đại diện Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay theo kế hoạch, khu thiết chế Công đoàn tại tỉnh Đồng Nai sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 2,3 ha thuộc khu dân cư Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom. Thiết chế Công đoàn này bao gồm khu nhà ở liền kề 3 tầng, 3 khu chung cư 15 tầng, nhà đa năng 2 tầng, nhà dịch vụ 2 tầng, ga-ra để xe, trạm bơm... Tổng số căn hộ được xây dựng là 700 căn, phục vụ cho 1.350 người. Dự kiến quý III/2022 sẽ bắt đầu khởi công xây dựng và hoàn thành trong quý III/2024. Để thực hiện dự án này, Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn mong muốn tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện và bố trí đầu mối với sở, ban, ngành của tỉnh nhằm thống nhất để triển khai dự án được sớm hơn, đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ.
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, vấn đề nhà ở CN hiện nay đang rất nóng, nhất là sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Do vậy, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang tích cực triển khai nhanh dự án thiết chế nhà ở tại các địa phương có đông CN - lao động để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho CN. Trên cơ sở giới thiệu địa điểm của tỉnh Đồng Nai, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát và xây dựng quy hoạch tỉ lệ 1/500. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐ Việt Nam trong triển khai để có thể hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, hai bên sẽ phối hợp lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, bảo đảm các cam kết xây dựng với Tổng LĐLĐ Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện theo kế hoạch, mục tiêu của dự án.
Thẩm định dự án càng sớm càng tốt
Để khẩn trương triển khai xây dựng thiết chế Công đoàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn giao UBND tỉnh Đồng Nai làm đầu mối, phối hợp các sở, ngành liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi, ưu tiên thẩm định dự án càng sớm càng tốt, trở thành hình mẫu của tỉnh trong thời gian sau này.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh đang xây dựng nghị quyết về nhà ở xã hội cho CN nhằm chăm lo cho đối tượng này nhiều hơn về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Qua đó, góp phần thu hút và giữ chân NLĐ gắn bó lâu dài với tỉnh Đồng Nai, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của DN và sự phát triển chung của tỉnh.
Bình luận (0)