Khi được Công đoàn (CĐ) ngành Y tế TP HCM tuyên dương gương "Người tốt - việc tốt" mới đây, chị Văn Thị Ngọc Anh, kế toán Bệnh viện Răng Hàm Mặt, cho biết việc của chị làm là lẽ tự nhiên. Theo chị, khi cận kề sự sống và cái chết, tình người vẫn là trên hết. Không chỉ chị Ngọc Anh, rất nhiều CNVC-LĐ đã quên bản thân để giúp đỡ người khác.
Cứu 8 người khi cháy chung cư
Nhìn dáng người mỏng manh, ít ai nghĩ chị Ngọc Anh có thể dũng cảm cứu sống được 8 người trong vụ cháy chung cư Carina (quận 8, TP HCM) mới đây. Chị Ngọc Anh nhớ lại tối đó, khi cả nhà say giấc thì bỗng nhiên điện cúp. Nghe mùi khét, vợ chồng chị tỉnh giấc và nghĩ dây sạc pin điện thoại bị cháy. Đồng hồ chỉ 1 giờ 35 phút, vợ chồng chị nghe tiếng la văng vẳng rồi khói mù mịt. Mở cửa sổ, thấy chung cư cháy, chồng Ngọc Anh hối chị đánh thức con trai, tìm giấy tờ quan trọng, thấm khăn ướt phủ lên người và chuẩn bị chạy...
Chị Ngọc Anh nhớ lại những giây phút kinh hoàng: "Tôi vừa mở cửa ra thì khói tràn vào. Vợ chồng tôi phải trở vào nhà đóng chặt cửa lại. Tiếng la xung quanh ngày càng lớn, tiếng chân chạy thình thịch khắp nơi. Bỗng có tiếng gõ cửa nhà ầm ầm. Tôi ra mở cửa, thấy một nhóm người ùa vào phòng, có 2 phụ nữ, 2 trẻ em và 4 người đàn ông. Họ như chui từ ống khói ra, đen kịt từ đầu đến chân. Họ bảo họ từ lầu 8 chạy xuống và từ lầu 2 chạy lên nhà tôi ở lầu 5. Tôi không biết họ là ai nhưng bảo cứ ở lại rồi hai vợ chồng lấy nước cho họ uống, lấy khăn thấm nước cho họ lau người. Do họ hít nhiều khói nên bao nhiêu nước uống cũng không đủ. Hết nước sạch, tôi phải lấy cả nước máy cho họ uống".
Khi ấy, 4 người đàn ông muốn tiếp tục chạy nhưng chồng chị Ngọc Anh đã ngăn cản vì bên ngoài khói đen dày đặc, không biết cháy chỗ nào. Chị bảo mọi người cứ ở lại "sống cùng sống, chết cùng chết".
Kể đến đây, nước mắt Ngọc Anh lăn dài. Bỗng nhiên, gia đình chị và 8 người xa lạ kia trở nên thân thiết đến kỳ lạ. Họ cùng nhau nhúng nước khăn, mền để chèn các khe cửa. Vài phút sau, lực lượng cứu hỏa đến, họ được cứu thoát.
"Tôi không nghĩ mình là người tốt vì lúc cận kề cái chết, ai cũng làm như tôi" - chị Ngọc Anh tâm sự.
Chị Văn Thị Ngọc Anh (trái) kể lại việc cùng chồng cứu 8 người trong vụ cháy chung cư Carina
Nhiều lần bắt cướp
Với chàng trai 27 tuổi An Quốc Long - Phó Bí thư phường 13, quận 3, TP HCM - được ra tay "trừ gian diệt bạo" là một niềm vui khó tả. Từ nhỏ, Long đã mơ ước được trở thành một chiến sĩ công an nhân dân nên ra sức tập võ. Song, vì một vài lý do, không thực hiện được niềm mơ ước nên Long đã gia nhập một đội hiệp sĩ đường phố để thỏa niềm đam mê bắt cướp. Chàng trai này đã nhiều lần bắt cướp trên địa bàn TP HCM.
Một đối tượng cướp giật mà Long khống chế gần đây nhất là vào tối 19-3. Đang đứng ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP HCM, thấy một thanh niên mặc áo trắng có thái độ khả nghi, anh đã bám theo. Thanh niên này chạy xe lòng vòng qua nhiều con hẻm, nhiều tuyến phố rồi bất ngờ giật điện thoại của một người đang ngồi trước nhà tại đường Lê Văn Sỹ.
"Lúc ấy, tôi lập tức cho xe tăng ga đuổi theo đối tượng, ép xe khống chế và đưa gã về Công an phường 12, quận 3 xử lý. Qua khai báo của gã, tôi biết được đối tượng này tên là Sally Anh Khoa, có 3 tiền án trộm cướp và đã nhiễm HIV giai đoạn cuối" - Long kể. Chúng tôi hỏi: "Anh có sợ không khi biết đối tượng nhiễm HIV?". Long bộc bạch: "Khi khống chế gã, tôi có xây xát, nói thật là sợ lắm. Thế nhưng, tôi nhanh chóng đến cơ sở y tế lấy thuốc chống phơi nhiễm HIV uống để an toàn".
Trước cái chết của 2 hiệp sĩ quận Tân Bình, TP HCM vừa qua, Long bày tỏ: "Tôi rất buồn trước sự ra đi của các anh. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi chùn bước hay từ bỏ. Nếu người nào cũng lo sợ trước cái xấu, cái ác thì lấy ai đấu tranh, bảo vệ sự bình an cho TP? Tôi có lời muốn nói với các bạn trẻ: Muốn tham gia các CLB hiệp sĩ đường phố, các bạn phải được trang bị võ, có kinh nghiệm và phải quan sát đối tượng xem chúng mang theo vũ khí hay không. Không phải với đối tượng nào cũng nhảy vào khống chế, như thế rất nguy hiểm".
Bình luận (0)