Đó là Công ty CP Vina Kinokuniya(gọi tắt là Vina Kinokuniya) có trụ sở tại số 53 đường số 9, phường Phước Bình, quận 9, TP HCM. Cũng giống như Công ty TNHH Ngoại ngữ và Dịch thuật quốc tế Hàn Quốc Hana mà chúng tôi phản ánh trong 2 bài viết trước, Vina Kinokuniya không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép phái cử lao động sang Nhật Bản nhưng nhiều năm qua vẫn đăng tuyển, dạy tiếng và liên kết với nhiều doanh nghiệp (DN) khác để đưa lao động sang Nhật Bản.
Mập mờ giấy ủy quyền
Trong đơn gửi đến Báo Người Lao Động của nhóm bạn: Nguyễn Mộng Trinh, Phạm Thị Mộng Kha (Bạc Liêu); Nguyễn Thị Ái Hằng, Hà Thị Bích Liên (Tây Ninh) và Vũ Thạch Thảo (Đồng Nai) thể hiện ngày 20-8-2018, họ đến tham gia phỏng vấn tại Vina Kinokuniya và trúng tuyển đơn hàng may áo vest theo chương trình thực tập sinh Nhật Bản.
Trụ sở Công ty CP Vina Kinokuniya và giấy ủy quyền mập mờ trách nhiệm
Nhóm chị Trinh khẳng định họ được thông tin đây là đơn hàng của Vina Kinokuniya và tổng mức chi phí mà phía Vina Kinokuniya đưa ra là 118 triệu đồng. Tin vào cam kết của Vina Kinokuniya, đồng thời thấy mức chi phí cũng hợp lý nên nhóm chị Trinh ký hợp đồng để sớm được sang Nhật. Nửa tháng sau đó, ngày 5-9-2018, nhóm chị Trinh chính thức nhập học tiếng Nhật. Sau khi nhập học, nhóm chị Trinh được thông báo là sẽ xuất cảnh vào cuối tháng 12-2018. Tuy nhiên, gần đến ngày hẹn xuất cảnh sang Nhật, cả nhóm được Vina Kinokuniya thông báo lịch bay sẽ dời sang tháng 8-2019. Và họ càng bất ngờ khi được thông báo đơn hàng may áo vest không phải của Vina Kinokuniya mà là một đối tác khác của công ty ngoài Hà Nội. Chưa hết, họ càng hoang mang hơn khi được thông báo đơn hàng trên "có vấn đề và khó xuất cảnh được". Do đó, công ty sẽ hướng cho họ tham gia đơn hàng khác hoặc rút hồ sơ. "Thấy không ổn nên chúng tôi lên công ty đề nghị được rút hồ sơ, lấy lại tiền vì không thể chờ lâu như thế. Dù công ty có đầy đủ các chức danh giám đốc là ông Lê Duy Bình; có phó giám đốc, trợ lý giám đốc nhưng chúng tôi từ lúc nộp cho đến khi đến xin rút hồ sơ đều làm việc với bà Hồ Thùy Trinh mà không rõ làm gì trong công ty. Lo bị lừa đảo nên chúng tôi cảnh giác trước những văn bản mà công ty yêu cầu ký" - chị Trinh nói.
Chị Bích Liên cho biết khi chị đòi lại tiền và rút hồ sơ thì được công ty đưa cho giấy thông báo về việc xử lý hồ sơ và quyền lợi tài chính. Một điều đáng ngờ nữa là về giấy tờ của Vina Kinokuniya với đơn hàng phản ánh trên, đó là giấy ủy quyền. Phóng viên xác minh và nhận thấy đơn hàng, theo phản ánh là của Vina Kinokuniya nhưng khi người lao động (NLĐ) làm hồ sơ xác minh chính quyền địa phương thì mẫu ủy quyền là của Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (có trụ sở tại tầng 5 tòa nhà Vimeco, lô E9 đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Lạ lùng hơn, dù đứng tên ủy quyền nhưng Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long không ký và cũng không đóng dấu!
Chỉ là công ty tạo nguồn?
Làm việc với phóng viên Báo Người Lao Động tại trụ sở công ty, ông Nguyễn Nhật Minh, phó giám đốc công ty, khẳng định sự việc xảy ra ngoài mong muốn và công ty sẽ chịu mọi trách nhiệm. Ông Minh khẳng định đơn hàng này công ty liên kết với Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long.
Theo lý giải của ông Minh, vì Vina Kinokuniya không được phép phái cử một số ngành nghề nên khi nhận đơn hàng may áo vest mà nhóm chị Trinh tham gia, họ đã chuyển cho Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long để tiến hành làm các thủ tục đưa số lao động này sang Nhật. Tuy nhiên, do trục trặc nên phía Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long không thực hiện được cam kết. Về hướng khắc phục hậu quả, ông Minh thông tin: "Chúng tôi đưa ra 2 lựa chọn cho NLĐ, một là chuyển qua tham gia đơn hàng khác, hai là làm đơn rút lại tiền. Có một số người chuyển sang đơn hàng khác, cũng nhiều người rút hồ sơ. Tuy nhiên, do chúng tôi đã đóng tiền cho Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long nên rất mong NLĐ hợp tác để làm các thủ tục lấy lại chi phí nói trên".
Liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chúng tôi được biết Vina Kinokuniya không được cấp phép phái cử lao động ra nước ngoài làm việc. Khi chúng tôi chất vấn thì đại diện Vina Kinokuniya trả lời chỉ là doanh nghiệp tạo nguồn, nghĩa là chỉ tìm kiếm ứng viên cho các công ty khác. Theo thông tin mà phóng viên có được, hiện rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh như nhóm chị Trinh và cũng đang tìm đến các cơ quan chức năng để nhờ trợ giúp đòi quyền lợi cho mình.
Công ty Hoàng Long không hợp tác với Công ty CP Vina Kinokuniya
Trong email trả lời chúng tôi chiều 27-6, đại diện Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long khẳng định không ký kết hợp tác với Công ty CP Vina Kinokuniya cũng như với bất cứ công ty nào tại TP HCM. Đại diện công ty này cũng khẳng định không cung cấp giấy ủy quyền và không thực hiện đơn hàng may áo vest như thông tin Báo Người Lao Động đề cập.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6
Kỳ tới: Cơ quan chức năng vào cuộc
Bình luận (0)