"Bộ Luật Lao động quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động (NLĐ). Trên thực tế, đa số các doanh nghiệp (DN) đều có xây dựng và đăng ký thang, bảng lương nhưng việc áp dụng lại chưa đầy đủ, chưa đúng quy định". Đây là nhận định của ông Đặng Tấn Đạt, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, về thực trạng thực hiện thang, bảng lương tại DN hiện nay.
Làm cho có!
Theo ông Đạt, tại các DN ở Bình Dương đang diễn ra tình trạng thang, bảng lương xây dựng một đằng, thực hiện một nẻo: Thay vì trả lương theo thang, bảng lương đã đăng ký, DN lại trả lương thời gian, cào bằng giữa người làm ít với người làm nhiều. Mặt khác, các DN không nâng lương định kỳ mà chỉ xét nâng lương cho một số ít trường hợp và cho rằng điều chỉnh lương tối thiểu vùng cũng chính là nâng lương niên hạn cho tất cả công nhân.
Người lao động thường không nhận đúng mức lương như quy định trong thang, bảng lương của doanh nghiệp
Tại TP HCM cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP, cho biết các DN cũng có xây dựng và gửi thang, bảng lương cho cơ quan quản lý lao động. Cụ thể năm 2017, toàn TP có hơn 20.000 DN thực hiện và 4 tháng đầu năm 2018, sở đã tiếp nhận khoảng 90.000 thang, bảng lương (chiếm 45% chỉ tiêu tiếp nhận hằng năm). Theo quy trình, sau khi tiếp nhận, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phản hồi, đồng thời tiến hành rà soát xem DN có thực hiện đúng nguyên tắc, có trả đúng mức lương tối thiểu vùng hay có bảo đảm đúng tỉ lệ giữa các bậc lương hay không… Tuy nhiên, việc rà soát cũng chỉ mang tính hình thức và cơ quan quản lý không thể kiểm soát được việc DN có áp dụng đúng thang, bảng lương đã đăng ký hay không.
"Qua các cuộc thanh - kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các DN, đặc biệt là DN dân doanh nhỏ và siêu nhỏ, chủ yếu xây dựng thang, bảng lương để đối phó và sử dụng để đóng BHXH. Còn thực tế chi trả cho NLĐ lại khác xa. Phổ biến nhất là tình trạng trong thang, bảng lương có chia thành nhiều bậc 1, 2, 3… nhưng thực tế lại quy về chung một bậc là bậc 1. Như vậy, khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì DN nâng nguyên "căn nhà" tiền lương lên và NLĐ vẫn tiếp tục ở vị trí bậc 1, không có gì thay đổi. Chỉ có một số ít DN thực sự coi trọng chính sách phát triển nguồn nhân lực mới quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện đúng thang, bảng lương" - ông Năm cho biết.
Dễ dàng "lách" luật
Ông Trần Hảo Trí, Phó trưởng Phòng Quản lý lao động các KCX- KCN TP HCM, cũng cho rằng đến nay mức lương trong thang, bảng lương không phản ánh đúng tiền lương mà NLĐ được trả; đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể nắm được tiền lương thực tế của NLĐ.
Dù việc xây dựng thang, bảng lương được quy định rõ ràng, chi tiết thì DN vẫn có nhiều cách để "lách" và gây thiệt thòi cho NLĐ. Ông Trí viện dẫn: "Chẳng hạn, để đối phó với quy định khoảng cách giữa 2 bậc lương ít nhất 5%, DN quy định mốc thời gian nâng bậc là 5 năm, 10 năm hoặc thậm chí 50 năm mới điều chỉnh một lần. Như vậy, đến khi về hưu, có thể bậc lương của NLĐ cũng mãi chỉ ở bậc 1 mà thôi. Còn nếu luật quy định cả các điều kiện nâng bậc thì DN lại "lách" bằng cách chỉ ký hợp đồng xác định thời hạn và chấm dứt hợp đồng khi hết hạn để khỏi nâng lương".
Một vấn đề khác là tình trạng DN điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng cùng một mức lương cho tất cả các bậc cũng gây lúng túng cho các cơ quan chức năng trong quá trình hướng dẫn xây dựng thang, bảng lương. Với cách làm này, chiếu theo thang, bảng lương là không phù hợp vì mức tăng mỗi bậc phải khác nhau (khoảng cách mỗi bậc cách nhau ít nhất 5%) nhưng khi kiểm tra, các cơ quan chức năng cũng không biết phải hướng dẫn DN chỉnh sửa thế nào cho phù hợp. Theo DN, thay vì chỉ phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho những NLĐ đang có mức lương thấp hơn quy định thì họ phải điều chỉnh cho tất cả công nhân để tránh tranh chấp. Nhưng khoản tăng đó là điều chỉnh theo lương tối thiểu vùng chứ không phải nâng bậc.
Quy định bất khả thi
Ông Trần Hảo Trí cho biết kể từ năm 2013 khi có quy định về việc DN phải xây dựng định mức lao động, đến nay chưa có DN nào đăng ký định mức lao động tại cơ quan quản lý nhà nước, kể cả với những DN trả lương theo sản phẩm. "Quy định này không sát thực tế nên nếu DN muốn làm cũng rất khó bởi thường mỗi DN sản xuất có từ vài chục đến vài trăm mã hàng, trong đó có những mã hàng có số lượng rất ít (vài chục hoặc vài trăm sản phẩm). Nếu tuân thủ các quy trình xây dựng định mức thì thậm chí chưa xong khâu làm thử đã hoàn thành mã hàng rồi, vậy cần gì phải ban hành định mức lao động chính thức nữa?" - ông Trí phân tích.
Bình luận (0)