Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ) là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo hợp đồng lao động (HĐLĐ). Sau 1 năm rưỡi thực hiện, việc đóng BHXH theo quy định này vẫn khiến doanh nghiệp (DN) lúng túng.
Căn cứ xác định mức lương đóng BHXH
Tại Hội nghị Đối thoại DN với lãnh đạo BHXH TP HCM do BHXH TP phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) tổ chức mới đây, đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (quận 5) nêu thắc mắc: "HĐLĐ ký với NLĐ có ghi mức lương cụ thể, song thực tế, DN trả lương cho NLĐ theo hiệu quả công việc (KPI). Như vậy, nếu hiệu quả không đạt và lương thực nhận của NLĐ thấp hơn mức ghi trên HĐLĐ thì DN phải đóng BHXH trên mức lương nào?". Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP, cho biết căn cứ điều 23 Bộ Luật Lao động và điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH về tiền lương tháng BHXH bắt buộc thì trong HĐLĐ phải nêu rõ mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do đó, tiền hiệu quả làm việc theo kết quả đạt được từ KPI ghi trong HĐLĐ là phụ cấp lương hoặc khoản bổ sung. Khoản tiền theo hiệu quả công việc này nếu không xác định được mức tiền cụ thể và không trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì không thuộc khoản phải đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Danh mục nghề bất cập khiến công nhân may thiệt thòi quyền lợi BHXH
Tương tự, Công ty CP Kho vận Tân Cảng (quận 2) đang thực hiện trả lương theo sản phẩm cho một bộ phận NLĐ nên cũng khá băn khoăn về việc xác định mức lương đóng BHXH cho NLĐ. "Công ty chúng tôi trả lương cho NLĐ theo sản phẩm nhưng trên HĐLĐ chỉ thể hiện mức lương chính theo thang bảng lương. Do vậy, chúng tôi đang lấn cấn với việc có phải đóng BHXH cho khoản tiền chênh lệch giữa 2 mức lương đó không? Nếu không tham gia, liệu có gặp rắc rối khi làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm tra?" - đại diện công ty trình bày. Trả lời ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Thanh cho rằng khoản tiền lương sản phẩm nếu xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương thì phải đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Công nhân may thiệt thòi
Trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, việc hành xử bất nhất của các cơ quan chức năng cũng gây nhiều khó khăn cho DN và NLĐ.
Chị Bùi Thị Trúc Ly, nhân viên phụ trách BHXH Công ty CP Sài Gòn Food (huyện Bình Chánh), chia sẻ: "Trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành ở ngành thủy sản chỉ quy định một công việc duy nhất là chế biến thủy sản đông lạnh, trong khi thực tế có rất nhiều công việc khác nhau. Do vậy, khi xây dựng thang bảng lương, công ty chỉ tính phụ cấp nặng nhọc, độc hại theo hệ số 1,12 đối với những công nhân chế biến thủy sản làm việc trong môi trường đông lạnh. Riêng đối với những người làm công việc đơn giản trong môi trường bình thường thì chỉ tính theo hệ số 0,7. Thang bảng lương công ty đã được Phòng LĐ-TB-XH địa phương phê duyệt, song khi thực hiện đóng BHXH cho NLĐ lại bị cơ quan BHXH tuýt còi. Cán bộ BHXH cho rằng công ty hoạt động trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại nên phải tính phụ cấp nặng nhọc, độc hại cho NLĐ theo hệ số 1,12, nếu không, cơ quan BHXH sẽ tự điều chỉnh tăng cho NLĐ. Tại sao cơ quan BHXH lại không công nhận thang bảng lương đã được phòng LĐ-TB-XH phê duyệt?" - chị Ly đặt vấn đề. Ghi nhận ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết theo quy định hiện hành, DN tự xây dựng thang bảng lương và cơ quan BHXH sẽ thu BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ dựa trên mức lương trên thang bảng lương. "Chúng tôi sẽ kiểm tra xem tại sao cán bộ BHXH lại trả lời cho DN như vậy" - ông Nguyễn Quốc Thanh cam kết.
Còn đại diện Công ty TNHH Di Đại Hưng (quận 11) phản ánh một số lao động của công ty gặp khó khăn khi làm thủ tục hưởng BHTN vì quy định không thống nhất giữa cơ quan BHXH và cơ quan giải quyết trợ cấp thất nghiệp ở một số tỉnh miền Trung, miền Bắc. "Theo quy định, nếu NLĐ nghỉ việc vào ngày 10 của tháng sau thì ngày 20 của tháng này DN có quyền làm thủ tục báo giảm lao động để tránh truy thu BHYT. Khi đó, cơ quan BHXH sẽ in tờ rời xác nhận quá trình tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ (ngày in tờ rời thường trước thời điểm NLĐ chính thức nghỉ việc). Song khi NLĐ làm thủ tục hưởng BHTN thì bị trung tâm giới thiệu việc làm ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc từ chối giải quyết với lý do ngày in tờ rời không trùng với ngày nghỉ việc ghi trên quyết định thôi việc. Trong khi ở TP HCM, NLĐ rơi vào trường hợp tương tự vẫn được giải quyết BHTN. Việc thực hiện chính sách bất nhất giữa các địa phương gây phiền hà cho cả DN lẫn NLĐ" - đại diện công ty nêu. Ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết nguyên tắc khi báo giảm BHXH phải có quyết định thôi việc của NLĐ. Việc ngày ký quyết định nghỉ việc khác với ngày nghỉ thực tế của NLĐ là bình thường. Trường hợp DN báo giảm vào ngày 20 của tháng này mà ngày ký quyết định lại ghi vào tháng sau thì mới bất hợp lý. Do đó, DN cần xác định rõ ngày ký quyết định và ngày thực tế NLĐ nghỉ việc.
Ngăn ngừa doanh nghiệp lách luật
Ông Nguyễn Minh Tuấn, đại diện Công ty CP May Bình Minh (quận Bình Thạnh), cho biết hiện nay ngành dệt may có nhiều chức danh công việc, song trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chỉ công nhận 6 chức danh nghề. Nhiều NLĐ làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nhưng lại không được hưởng chế độ. Một số DN đã "lách" luật bằng cách chuyển toàn bộ nghề của NLĐ thành "may công nghiệp" dù thực tế họ là công nhân thêu, cắt, trải vải... "Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh các chức danh nghề để tránh thiệt thòi cho NLĐ nhưng chưa bao giờ được hồi âm" - ông Tuấn bức xúc.
Bình luận (0)