Chiều nay, 11-7, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đàm phán lần 2 về nâng lương tối thiểu (LTT) vùng 2020. Ở phiên đàm phán lần 1, trong khi Tổng LĐLĐ VN (đại diện cho người lao động đề xuất tăng 8% thì Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại diện cho giới chủ chỉ đề xuất mức tăng 3%.
Không khó hiểu với đề xuất của VCCI ở thời điểm này. Còn nhớ ở lần đàm phán lần thứ I về nâng LTT năm 2019, thậm chí VCCI còn đề xuất không nâng LTT trong sự bất bình của NLĐ. Liệu VCCI có hiểu nhiều năm qua, bởi nền LTT quá thấp mà gia đình công nhân (CN) sống hết sức khổ sở, nhiều nữ CN phải dằn lòng gửi con nhỏ về quê cho cha mẹ chăm sóc do không kham nổi chi phí sinh hoạt tại TP. Ở nhiều địa phương, số đông CN vẫn phải sống trong những khu nhà trọ tồi tàn, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt tối thiểu, đời sống tinh thần hết sức nghèo nàn.
Lương tối thiểu quá thấp nên công nhân phải thắt lưng buộc bụng
Kết quả một khảo sát cuộc sống của CN may ở Việt Nam mang tên "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" do Viện Công nhân và Công đoàn (CN - CĐ) và tổ chức Oxfam đã chỉ ra CN may đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, để lại hệ lụy lớn đến cuộc sống của họ. Phần lớn CN đều có mức lương dưới mức lương đủ sống; và đang phải vật lộn để nuôi sống bản thân và gia đình, thậm chí có những lúc bị đói. Nhiều người rơi vào vòng xoáy nợ nần, sống trong điều kiện nghèo nàn, không đủ khả năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình, và không đủ điều kiện chi trả học hành cho con cái. Rõ ràng, làm đâu tiêu đấy là thực trạng phổ biến đối với không chỉ CN may mà còn với tất cả CN ở các ngành, nghề khác.
Nhà trọ ẩm thấp, tạm bợ của công nhân ở xã Trung An, huyện Củ Chi, TP HCM
Tại buổi tọa đàm về mức sống tối thiểu, tình hình đời sống, thu nhập của người lao động (NLĐ), đề xuất phương án LTT vùng năm 2020 do Tổng LĐLĐ Việt Nam, tổ chức chiều qua, 10-7, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết 8 năm trở lại đây, bức tranh kinh tế khá khởi sắc (chỉ số GDP tăng 6,8%), chỉ số CPI được kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên, đời sống CN vẫn rất khó khăn. "Đã đến lúc chúng ta đừng lấy nhân công giá rẻ để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. LTT vùng chỉ là sàn chung nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho NLĐ. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27 của Chính phủ, đến năm 2020, mức LTT phải đạt được mức sống tối thiểu" – ông Quảng bày tỏ.
Ở nhiều địa phương, số đông CN vẫn phải sống trong những khu nhà trọ tồi tàn, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt tối thiể
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết tình hình xuất khẩu khẩu với tỉ lệ đơn hàng ngày càng tăng, đặc biệt ở các ngành sử dụng đông lao động. Điều này cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp (DN) sẽ ổn định. Ở góc nhìn khác, LTT đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào CPTPP và EVFTA. "Tăng LTT để NLĐ đủ sống cũng là cách tạo điều kiện cho DN cạnh tranh đơn hàng tốt hơn. Vì vậy, mức đề xuất tăng 3% LTT của đại diện người sử dụng lao động có lẽ chưa phù hợp" – ông Quảng, bày tỏ.
Bữa ăn chiều đơn sơ với trứng luộc, đậu hũ của một gia đình công nhân ở trọ
Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương khẳng định: Đến năm 2020 mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Với đề xuất 3% mà VCCI đưa ra, liệu đến bao giờ CN hết giật gấu vá vai?
3 phương án tăng mức LTT vùng do Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất
Phương án 1: điều chỉnh vùng 1 đến vùng 4 với mức tăng bình quân 8,18%, tương đương mức LTT sẽ tăng từ 180.000-380.000 đồng.
Phương án 2: tăng bình quân 7,6%, tương đương mức tăng từ 160.000-330.000 đồng.
Phương án 3: tăng 6,51%, tương đương mức lương tăng từ 150.000-300.00 đồng.
Bình luận (0)