Dự kiến hôm nay (9-7), tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên bàn về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng (LTT) năm 2019. Kết quả khảo sát mới nhất của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thấy mức sống tối thiểu của khu vực có quan hệ lao động chỉ đáp ứng được 90%-92%.
Bộ LĐ-TB-XH: Tăng 5%-6%; VCCI: Không tăng!
Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia về lao động, tiền lương cho rằng mức tăng trưởng kinh tế 7,3% hồi đầu năm 2018 có thể xem là tín hiệu vui cho việc xem xét điều chỉnh LTT vùng theo hướng có lợi cho người lao động (NLĐ). Dĩ nhiên, ngoài chỉ số tăng trưởng kinh tế, điều kiện để điều chỉnh mức LTT vùng còn dựa trên cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ cung cầu lao động trên thị trường.
Qua khảo sát, chỉ 17,2% người lao động hài lòng về tiền lương, thu nhập Ảnh: KHÁNH AN
Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), việc điều chỉnh LTT vùng năm 2019 sẽ cần tính tới nhiều yếu tố khách quan. Các bên đàm phán - gồm: Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ LĐ-TB-XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - sẽ phải xem xét các yếu tố liên quan, như: Nhu cầu sống tối thiểu, chỉ số giá cả, điều kiện kinh tế - xã hội, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) để tính toán, đề xuất mức tăng LTT cho phù hợp. Từ thực tế này, ông Huân cho rằng sự điều chỉnh theo hướng tăng là điều tất yếu song khả năng chỉ ở mức 5%-6% so với mức LTT năm 2018.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,45%, quý II tăng 6,79%). Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Tuy vậy, mới đây, khi trao đổi với báo chí, một thành viên VCCI đưa ra khả năng sẽ không đề xuất tăng LTT năm 2019. Vị này cho rằng dù kinh tế có khởi sắc nhưng DN vẫn cần ổn định sản xuất - kinh doanh để tăng cạnh tranh và tham gia các sân chơi lớn hơn.
Tăng lương nhưng cắt phụ cấp
Bà Trần Thị Dung, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kollan (KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng xét về điều kiện sống của NLĐ, mức tăng LTT hợp lý là 8%-10% hoặc thấp nhất cũng mức 6,5% (bằng năm 2017).
"Nếu LTT tăng thêm 230.000 đồng (ngang bằng năm 2018) thì tiền lương công nhân (CN) ở mức 4.210.000 đồng/tháng. Với mức lương này cộng các khoản phụ cấp, tăng ca, thu nhập bình quân của 2 vợ chồng làm CN là 12 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, họ phải chi cho các khoản: ăn uống (3 triệu đồng), tiền nhà trọ (1,5 triệu đồng), điện nước (200.000 đồng), tiền học cho con (2 triệu đồng), tiền sữa cho con (2 triệu đồng), tiền ma chay hiếu hỷ (1 triệu đồng), tiền điện thoại và internet (400.000 đồng)… Nếu đã tăng LTT thì mức này cũng vừa đủ để họ chi tiêu cho cuộc sống tối thiểu" - bà Dung phân tích. Theo bà, đây là mức tính chưa kể con cái đau ốm hay ông bà ở quê có chuyện. Cũng như bà Dung, nhiều cán bộ CĐ rất ngạc nhiên khi nghe VCCI đề xuất không tăng LTT.
Khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam xung quanh tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 141/2017/NĐ-CP về mức LTT vùng năm 2018 cho thấy: Trên 90% DN ở TP HCM và các KCN điều chỉnh theo quy định với mức tăng 200.000-500.000 đồng/người/tháng. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thường điều chỉnh tăng đều cho tất cả NLĐ ở mức tuyệt đối, tương đương số tiền 180.000-230.000 đồng. Tuy nhiên, một số DN chỉ điều chỉnh cho bộ phận thấp hơn, chỉ để đóng bảo hiểm mà không điều chỉnh đơn giá sản phẩm nên tiền lương thực tế không tăng. Về mức điều chỉnh năm 2018, khảo sát cho thấy 57,6% NLĐ đánh giá trung bình, 39,0% NLĐ cho biết còn thấp.
Khó khăn vẫn bủa vây
Đó là tình cảnh chung của đại bộ phận NLĐ, nhất là CN đang làm việc tại các KCX-KCN.
Khi được hỏi về thu nhập và cuộc sống hiện tại, anh Nguyễn Thanh Liêm, CN Công ty Xuất nhập khẩu ngành in (quận 9, TP HCM), lắc đầu: "Làm ở công ty hơn 10 năm nhưng tổng thu nhập, kể cả tiền cơm, của tôi chỉ được 5,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, tôi chỉ dành riêng 1,5 triệu đồng để đổ xăng và tiêu vặt, còn lại đưa hết cho vợ để chi tiêu trong gia đình, lo cho con cái đi học. Chi tiêu dè sẻn như vậy nhưng vợ chồng tôi sống rất chật vật, khi có đám tiệc hay việc gì phát sinh phải xin công ty tạm ứng trước hoặc vay mượn bạn bè".
Vợ anh Liêm làm nội trợ, đưa đón con đi học nên gánh nặng gia đình đè lên vai anh. Do vậy, khi công ty có nhu cầu tăng ca, anh tình nguyện làm để cải thiện thu nhập. Có hôm chủ nhật, anh xin làm phụ hồ cho những người quanh xóm để kiếm thêm thu nhập lo cho các con. "Tôi chỉ mong đợt điều chỉnh LTT sắp tới, Chính phủ nên tính toán sao để những CN như chúng tôi sống dễ thở hơn một chút" - anh Liêm bộc bạch.
Đó cũng là suy nghĩ của anh Phạm Minh Hoàng, CN một công ty chuyên gia công cơ khí tại huyện Hóc Môn, TP HCM. Hoàng cho biết hiện tổng tiền lương, phụ cấp, kể cả tiền làm thêm giờ, của anh chỉ dao động 6,5-7 triệu đồng/tháng. Năm 2008, khi bắt đầu vào làm, lương của anh là 4,5 triệu đồng/tháng nhưng khi đó, giá thuê phòng trọ chỉ 700.000 đồng, tiền ăn uống rất rẻ. Bình quân mỗi tháng, anh chi khoảng 500.000 đồng cho tiền ăn buổi sáng và buổi tối (ăn trưa công ty lo). Như vậy, mỗi tháng anh tiết kiệm được khoảng 2,5-3 triệu đồng.
"Hiện nay, tổng thu nhập của tôi gần 7 triệu đồng/tháng nhưng tiền thuê chỗ trọ đã lên 2,1 triệu đồng, thêm 400.000 đồng tiền điện, nước, internet nữa. Chi phí ăn uống, xăng xe, điện thoại... hết khoảng 2,5 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, tôi còn dư được 1,5-2 triệu đồng. Tuy nhiên, tháng nào đau ốm hay có đám tiệc thì coi như không dư đồng nào" - anh Hoàng ngao ngán.
Sau 10 năm làm CN ở TP HCM, anh Hoàng cho biết vẫn chưa mua nổi chiếc xe máy. Không tiết kiệm được khoản tiền nào nên anh chưa nghĩ đến việc lập gia đình.
Ông MAI ĐỨC CHÍNH, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Mức tăng phải 7,5%-8%
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp) xác định: Thực hiện điều chỉnh tăng mức LTT vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của DN để đến năm 2020, mức LTT bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Điều 91 Bộ Luật Lao động cũng ghi rõ: Mức LTT là mức thấp nhất trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ.
Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội (GDP tăng khoảng 7%, CPI khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng trên 5%..) và kết quả khảo sát về tiền lương, thu nhập, đời sống của NLĐ năm 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức tăng LTT năm 2019 phải từ 7,5%-8% thì mới bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ.
Thu nhập chỉ đủ trang trải
Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, thu nhập của NLĐ (không kể ăn ca) trung bình là gần 5.530.000 đồng/tháng, tăng 1,4% so với năm 2017. Ngoài lương cơ bản, NLĐ còn nhận được tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ DN, như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ...
Trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) chiếm khoảng 15% tổng thu nhập của NLĐ, tức tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85% thu nhập. Đa số NLĐ cho biết thu nhập cơ bản chỉ đủ trang trải chi phí hằng ngày, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đánh giá về tiền lương, thu nhập, 17,2% NLĐ cho biết hài lòng, 65,7% tạm hài lòng và 17,1% không hài lòng.
Bình luận (0)