Bà Nguyễn Ngọc Điệp– Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp - JESC (thuộc Ban quản lý các KCX – KCN TPHCM (HEPZA) chia sẻ câu chuyện về một ứng viên nam do JESC giới thiệu cho doanh nghiệp. Lý do nhà tuyển dụng đánh rớt ứng viên đó vì cho rằng bạn ấy thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp cơ bản không có thì sau này sẽ rất khó làm việc.
"Lâu nay, tôi nói nhiều về kỹ năng mềm và bị mặc định là chỉ có lao động có chuyên môn, lao động qua đào tạo mới cần được đào tạo kỹ năng mềm nhưng thực sự lực lượng lao động phổ thông cũng cần được trang bị kỹ năng mềm. Tất nhiên mức độ có khác nhau, đối với lao động phổ thông, kỹ năng mềm có thể là giao tiếp đơn giản, biết trình bày những khó khăn của mình, đề xuất ý kiến với tổ trưởng… Ví dụ như trường hợp cụ thể của bạn nam công nhân vừa rồi, có thể bạn biết bạn câu trả lời, từng suy nghĩ đến nhưng không biết trả lời làm sao", bà Điệp chia sẻ.
Mặc dù thiếu kỹ năng nhưng có một thực tế, lực lượng lao động phổ thông chưa chú ý nhiều đến việc trang bị kỹ năng mềm cho mình. Để chuẩn bị kỹ năng căn bản cho người lao động trước các buổi tuyển dụng, Trung tâm Dịch vụ Việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức một buổi tập huấn nhỏ, thế nhưng đến ngày diễn ra chỉ có 50% các bạn đến lớp, các bạn còn lại đều vắng mặt không lý do.
"Các bạn không coi trọng việc trang bị kỹ năng mềm vì nó không sinh lợi ngay", bà Nguyễn Ngọc Điệp chia sẻ.
Có kỹ năng mềm chính là lợi thế để người lao động được doanh nghiệp chú ý. Ảnh: L.T.
Theo Báo cáo Thị trường Quý 2 năm 2018 của ManpowerGroup, Việt Nam sở hữu lực lượng lao động khá đông đảo với tổng số lao động lên đến hơn 57 triệu người. Tuy nhiên, có đến 40% số lao động này không có kỹ năng, 49% có kỹ năng trung bình và 11% có kỹ năng tay nghề cao. Tỉ lệ lao động không có kỹ năng ở VN đang gấp 4 lần so với tỉ lệ này ở nước láng giềng Thái Lan.
Trên thực tế, để giảm thiểu nguy cơ bị đào thải, người lao động đặc biệt là lao động giản đơn cần được đào tạo và nâng cấp kỹ năng, bao gồm kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng mềm được xem là thế mạnh của con người mà máy móc không thể thay thế được.
Khảo sát Cuộc cách mạng kỹ năng 2.0 của ManpowerGroup cho thấy, trên toàn cầu có đến 45% nhà tuyển dụng đang "vò đầu bứt tai" đi tìm những ứng viên sở hữu các kỹ năng mềm như giao tiếp, phối hợp (làm việc nhóm), giải quyết vấn đề, tổ chức, dịch vụ khách hàng, lãnh đạo và quản lý. Chính sự kết hợp giữa kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm là bí quyết giúp ứng viên thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng và có cơ hội được tăng lương thưởng khi họ chuyển việc.
Bình luận (0)