Năm nay Mai 26 tuổi, vào công ty làm việc được 6 năm. Ở cái công ty có hơn 3.000 công nhân mà có đến 70% là nữ thì không riêng gì Mai, trong xưởng của tôi còn mấy trăm chị em... ế chỏng chơ!
“Làm sao để lấy được chồng?”, câu hỏi ấy của chị em trong phân xưởng luôn làm chúng tôi trăn trở. Xin nói rõ, tôi là đàn ông chứ không phải phận nữ nhi như các chị em. Muốn lấy được chồng thì ít ra chị em cũng phải có đối tượng để lựa chọn. Đằng này, ra vô công ty suốt ngày rồi về nhà lưu trú cũng chỉ là “đàn bà, phụ nữ” với nhau thì có ai để quen biết, tìm hiểu, lựa chọn?
Nhìn vô chỉ thấy... toàn công nhân nữ!
Vừa rồi, có dịp đi giao lưu với một công ty ở KCN Long Thành, Đồng Nai, tôi cũng gặp nhiều trường hợp tương tự: Công ty nọ có cả ngàn nữ công nhân trong độ tuổi 18-30, trong số này, chỉ có chưa đầy 200 người có gia đình. Đáng nói, trong thông báo tuyển dụng mới đăng trên trang web và các phương tiện thông tin, công ty vẫn tiếp tục rao tuyển 2.000 nữ công nhân! Một công ty khác, có 5.200 trong tổng số 6.000 công nhân là nữ, trong số này đến 90% còn độc thân.
“Cơ hội lấy chồng nào cho chúng tôi khi chung quanh đàn ông gần như... biến mất? Họ ở đâu cả rồi? Tại sao công ty nào cũng rao tuyển lao động nữ? Không lẽ bây giờ trở lại chế độ mẫu hệ rồi sao?”- Chị Lê Thị Nga, đang làm việc tại Khu công nghệ Cao TP HCM nói trong nước mắt.
Điểm lại những doanh nghiệp “ưu tiên tuyển dụng lao động nữ”, “tuyển nữ công nhân” thì thấy có các ngành nghề: lắp ráp điện tử, may mặc, giày dép, dệt nhuộm, chế biến thủy hải sản, sản xuất/lắp ráp ống kính và các linh kiện cho máy ảnh KTS, thiết bị y tế, dược phẩm; thậm chí doanh nghiệp hàng đầu như Samsung cũng ưu tiên tuyển lao động nữ!
Doanh nghiệp lớn như Samsung cũng ưu tieên tuyển lao động nữ
Đặt vấn đề vì sao doanh nghiệp thích tuyển lao động nữ thì giám đốc Công ty N. (KCX Linh Trung, TP HCM) cho rằng là do lao động nữ chăm chỉ hơn, tỉ mỉ hơn, chấp hành nghiêm túc kỷ luật lao động, ít xảy ra mâu thuẫn, không nhậu nhẹt đánh nhau...
Rõ ràng lao động nữ có ưu thế trong mắt nhà tuyển dụng. Thế nhưng điều này vô hình trung tạo ra sự... mất cân bằng giới tính trong các doanh nghiệp. Vậy nên trong phân xưởng của tôi, lâu lâu lại có vài cô về quê lấy chồng. Cách đây 2 tuần, Thu Phương, một nữ công nhân trong xưởng của tôi cũng đã khóc rấm rứt khi chia tay mọi người: “Em rất muốn ở lại làm việc vì dù sao cũng quen rồi, về quê không biết sẽ ra sao. Nhưng nếu có cơ hội lấy chồng mà không lấy thì sau này già cả xấu xí không có ai lấy, sẽ sống chèo queo một mình. Sống như vậy buồn lắm. Ước gì công ty mình tuyển 50% lao động nam để tụi em còn có cơ hội tìm thấy một nửa của mình ở chính nơi này”.
Câu hỏi này, một quản đốc phân xưởng như tôi không thể trả lời được. Đành phải để chị em ra đi chứ níu kéo họ ở lại, "mai mốt già rồi, em biết lấy ai?".
Hỡi các đấng mày râu, các anh đâu hết rồi?
Bình luận (0)