Trong khi đánh cá gần đảo Tiên Nữ (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa), ngư dân Trần Văn Thu, thuyền viên tàu KH96635, bị tai nạn giập nát 2 ngón tay. Chủ tàu là ông Trần Văn Đạt, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn (NĐ) Nghề cá xã Phước Đồng, lập tức chở ông Thu về đất liền để cứu chữa.
“Anh Thu là lao động chính, gia đình nghèo khó, tai nạn thực sự là gánh nặng đè lên vai vợ con. Vào thời điểm ấy, NĐ mới thành lập nên chưa có nguồn quỹ nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách, tôi và anh em trong NĐ đã đến thăm hỏi, động viên và chi trả toàn bộ viện phí để san sẻ khó khăn với anh Thu” - ông Đạt kể lại.
Sau hơn 2 tháng nằm viện, ông Thu mất 2 ngón tay và đến nay đã đi biển trở lại. Ông xúc động: “Tuy mới gia nhập NĐ nhưng tôi cảm nhận đây thực sự là mái nhà chung của anh em ngư dân. Tình cảm và sự sẻ chia kịp thời của NĐ khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng và an tâm bám biển”.
Không may mắn như ông Thu, ông Hồ Năm (ngụ tổ 20, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) bị thương trên biển, trên đường vào bờ thì ông tử vong. Chia sẻ nỗi đau quá lớn với gia đình, lãnh đạo NĐ Nghề cá phường Vĩnh Phước đã đến động viên, chia buồn, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động đã hỗ trợ cho gia đình ông Năm 10 triệu đồng, kịp thời an ủi gia đình đoàn viên.
Sau khi thí điểm thành lập NĐ Nghề cá tại phường Vĩnh Phước với 112 đoàn viên, đến nay, Khánh Hòa đã có 4 NĐ nghề cá với 838 đoàn viên. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hoạt động của các NĐ đã đi vào nền nếp. Điểm nhấn xuyên suốt trong hoạt động ở các NĐ là tinh thần tương thân tương ái trong đoàn viên được phát huy, tạo sự gắn kết lâu dài. Ngoài nguồn quỹ của NĐ, với sự hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng vàng Người Lao Động và các mạnh thường quân, tất cả trường hợp đoàn viên đau ốm, tai nạn đều được thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời. Ông Lê Thế Bình, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: “Quan tâm chăm lo và hỗ trợ kịp thời đoàn viên NĐ là những việc mà Công đoàn (CĐ) ngành hướng đến. Với tinh thần kề vai sát cánh, thời gian qua, CĐ ngành đã xác nhận và đề nghị CĐ cấp trên hỗ trợ cho 42 tàu cá bị nạn, 21 đoàn viên bị chết, bị mất tích, bị tai nạn trên biển và bị bắt giam ở nước ngoài. Ngoài ra, CĐ còn hỗ trợ 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho con ngư dân nghèo hiếu học”.
Tạo sự gắn kết, tương trợ
Trong số 838 đoàn viên của 4 NĐ tại tỉnh Khánh Hòa, đáng lưu ý có 135 người là chủ tàu. Điều đó cho thấy ngay từ đầu, mô hình NĐ nghề cá do Tổng LĐLĐ Việt Nam khởi xướng nhận được sự đồng thuận cao từ phía chủ sử dụng lao động. “Quan hệ chủ tàu và ngư dân lâu nay rất manh mún. Hiện tượng ngư dân bỏ tàu này để sang tàu khác làm việc không hiếm, một phần do bất đồng về thu nhập. Từ khi có NĐ, hiện tượng ngư dân nhảy việc không còn, không có khoảng cách giữa chủ tàu và người làm công” - ông Lê Trọng Hải, Chủ tịch NĐ Nghề cá phường Vĩnh Phước, bộc bạch.
Chia sẻ lý do gia nhập NĐ, ngư dân Võ Ngọc Tùng nói: “Lâu nay, ngư dân làm ăn còn đơn lẻ, đặc biệt là hiểu biết pháp luật về biển rất hạn chế. Sợ nhất là gặp rủi ro, tai nạn lao động trên biển... Vào NĐ, ý thức đoàn kết, hỗ trợ nhau bám biển, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo của ngư dân nâng dần”. Ông Mai Thành Phúc, Chủ tịch NĐ Nghề cá xã Phước Đồng, cho biết NĐ của ông chia làm 5 đội tàu bám biển với nhau từ Hoàng Sa, Trường Sa đến khu vực nhà giàn DK1. Những lần ra khơi, các tàu đều liên kết để thông báo luồng cá, ứng phó với bão tố, giá cả... Đặc biệt, mỗi khi một tàu trong NĐ gặp nạn hay phải đối phó với tàu nước ngoài, lập tức các thành viên đều có mặt kịp thời để hỗ trợ.
“Với sự hỗ trợ của CĐ cấp trên, chúng tôi đã xây dựng quy chế hoạt động và ổn định được nguồn quỹ để từ đó tăng cường hỗ trợ đoàn viên. Các tàu tham gia NĐ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ khi có sự cố, tai nạn trên biển. Thấy được lợi ích thiết thực của mô hình NĐ, nhiều tàu cá khác tự nguyện xin gia nhập vào NĐ và chúng tôi đang xin phép cấp trên để mở rộng thêm” - ông Phúc hồ hởi.
Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa:
Nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá
Với trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 CV gồm 10.000 ngư dân và là tỉnh có huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa cần chú trọng hơn nữa đến việc hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình NĐ nghề cá ở các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và TP Cam Ranh, Nha Trang. Mục tiêu các NĐ hướng đến là làm tốt việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của ngư dân, ngay cả khi họ ra khơi bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 hay bất cứ nơi đâu trên biển Việt Nam.
Bình luận (0)