Ngay từ khi đi vào hoạt động, việc nâng cao tay nghề cho người lao động (NLĐ) luôn được lãnh đạo Công ty Juki Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; KCX Tân Thuận, TP HCM) quan tâm. Đặc biệt, hưởng ứng "Năm vì lợi ích đoàn viên" do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động và bám sát yêu cầu của công ty, Công đoàn (CĐ) cơ sở đã vận động NLĐ nâng cao tay nghề, đồng thời mở lớp học ngay tại doanh nghiệp.
Nâng cao kỹ năng nghề nghiệp
Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch CĐ Công ty Juki, cho biết để thực hiện chương trình này, ban chấp hành CĐ cơ sở đã xây dựng kế hoạch phát động công nhân (CN) tự nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; vận động đoàn viên tham gia các lớp bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, pháp luật, kỹ năng sống, tác phong công nghiệp... Song song đó, CĐ cũng thương lượng với ban giám đốc phương án hỗ trợ CN tham gia các lớp đào tạo và nâng cao tay nghề; đưa nội dung học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của CN vào nghị quyết hội nghị NLĐ và thỏa ước lao động tập thể, đồng thời xem là một tiêu chí bình xét thi đua hằng năm.
Công nhân mua sắm tại siêu thị Công đoàn của Công ty Long Rich Việt Nam
Bên cạnh đó, CĐ cũng xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi tay nghề cho CN, qua đó làm cơ sở đề xuất doanh nghiệp khen thưởng hoặc nâng lương. "Trong 5 năm, CĐ cơ sở đã vận động hơn 100 CN học tập nâng cao trình độ học vấn, nghiệp vụ; phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Lý Tự Trọng mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề tại công ty cho 60 người; rất nhiều CN được tham gia các lớp bồi dưỡng tại Nhật Bản" - ông Đại cho biết.
Tổ chức thi tay nghề cũng là cách để CN rèn luyện kỹ năng, chuyên môn. Qua 3 hội thi tay nghề hàn, cơ khí và lắp ráp với sự tham gia của 150 CN, đã có 132 CN được nâng bậc thợ, nâng lương. Đặc biệt, có gần 1.900 lượt CN theo học phổ thông, cao đẳng, đại học và trên đại học. Ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính Công ty Juki, nhìn nhận: "Có được kết quả đó chính là nhờ CĐ hiểu được tâm tư, nguyện vọng của CN về bảo đảm việc làm bền vững và có thu nhập cao; đồng thời xây dựng đội ngũ CN giỏi về chuyên môn và năng động, sáng tạo trong công việc. Đến nay, 74% CN công ty có trình độ THCS, THPT; 26% có trình độ đại học và trên đại học".
"Có lợi cho công nhân thì làm"
Khảo sát xem CN cần gì nhất là cách làm của CĐ Công ty Long Rich Việt Nam (KCX Linh Trung 2, TP HCM). "Khi bắt tay thực hiện "Năm vì lợi ích đoàn viên", CĐ công ty rất băn khoăn không biết làm thế nào để có hiệu quả, thu hút CN. Quan sát thấy CN sau giờ làm việc lại ghé qua các chợ lề đường mua vội miếng thịt, bó rau về nấu ăn cho qua bữa, chúng tôi không khỏi ái ngại vì ăn uống như vậy làm sao có sức làm việc? Từ trăn trở đó, siêu thị mini của CĐ đã ra mắt với nhiều sản phẩm cần thiết cho CN" - bà Nguyễn Thị Thùy Vân, chủ tịch CĐ công ty, kể.
Khi CĐ các KCX-KCN TP HCM phát động chương trình "Gạo sạch cho CN", CĐ Công ty Long Rich là đơn vị đi đầu. Từ ngày thứ hai đến thứ năm, CN đăng ký mua gạo cho tổ trưởng CĐ và đến thứ sáu họ được nhận gạo. Đến kỳ lương, CN trả tiền gạo cũng thông qua tổ trưởng CĐ. Được mua trước trả sau, gạo sạch lại bảo đảm chất lượng nên mỗi tuần CN mua gần 1 tấn gạo.
Ngoài việc chăm lo tốt đời sống vật chất cho NLĐ tại công ty, CĐ Công ty Long Rich cũng rất quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên bằng cách thường xuyên tổ chức các hoạt động văn - thể - mỹ như: hội thi cắm hoa, nấu ăn, hội thao, thi văn nghệ... CĐ còn phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, truyền thông cho CN về sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ... CN Nguyễn Thị Mỹ Chi nhận xét: "Các hoạt động của CĐ mang lại lợi ích rất thiết thực cho CN như bán gạo sạch, thực phẩm sạch, hóa mỹ phẩm giảm giá... Nhờ đó, CN hiểu hơn về tổ chức CĐ và tự giác gia nhập CĐ".
Bình luận (0)