Cuối năm 2016, anh N.H.K được nhận vào làm việc cho một công ty may mặc tại quận 12, TP HCM. Khi công ty trả lương không đúng so với hợp đồng, công nhân đã ngừng việc để phản đối. Được cơ quan chức năng quận 12 hướng dẫn, anh K. và cả trăm lao động khác đã khởi kiện công ty ra tòa. Tuy nhiên, đến nay, khi hỏi lại thì hầu như tất cả đều bỏ cuộc.
Theo kiện thì bỏ làm
"Bất bình thì viết đơn khởi kiện chứ thực tế, chúng tôi không có thời gian theo đuổi vụ kiện. Thủ tục nhiêu khê, mất quá nhiều thời gian đi lại, trong lúc mình vẫn phải đi làm để kiếm sống. Không có công ty nào lại cho người lao động nghỉ việc để đi kiện tụng. Bởi vậy nên thôi, vài triệu tiền lương chẳng bỏ công đi đòi. Thế nhưng, nếu tính cả mấy trăm công nhân thì đó lại là một số tiền rất lớn" - anh K. phân trần.
Ông Đ.Q.C - ngụ quận Tân Bình, TP HCM - khởi kiện công ty nợ BHXH khiến ông không thể chốt BHXH để nhận các chế độ hưu. Ông khởi kiện từ tháng 8-2015, sau nhiều lần đi lại, lên xuống nộp chứng cứ, hòa giải, đến nay, tòa vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Ông C. cho biết: "Tôi đã nhiều lần lên xuống, chứng cứ hầu như đã đầy đủ, lên tòa gặp đại diện công ty thương lượng mãi không thành nhưng tòa vẫn không đưa ra xét xử. Tôi cứ đi về như thế đã 2 năm nay mà không hiểu sao chưa thấy chuyển biến gì".
Đại diện Công đoàn trong một lần làm việc với tòa án liên quan đến quyền lợi của người lao động trong các vụ án
Tương tự, anh P.N.H.L khởi kiện công ty vì bị cho thôi việc trái luật từ tháng 8- 2016 nhưng cho tới nay, tòa vẫn chưa xử được. Trong khi đó, anh L. đã xin được việc làm mới nên việc đi lại theo đuổi vụ kiện là rất khó khăn. Anh bức xúc: "Tôi đã cung cấp đầy đủ chứng cứ cần thiết theo yêu cầu của tòa nhưng hết lần này đến lần khác, tòa viện dẫn hết bổ sung chứng cứ, lại phải xác minh thêm… Đến nay đã một năm trôi qua mà vụ kiện của tôi vẫn giậm chân tại chỗ".
Nên có quy chế riêng cho án lao động
Theo chánh án TAND một quận tại TP HCM, các vụ việc lao động được tòa cấp quận thụ lý, xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, hiện lực lượng nhân sự ở tòa quận còn thiếu và bao gồm nhiều loại án chứ không có tòa lao động chuyên trách ở cấp quận. Nhiều vụ việc phải theo một thủ tục quy trình đầy đủ, không thể bỏ qua. Bên cạnh đó, nhiều lúc phải phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác để xác minh chứng cứ nên kéo dài thêm thời gian.
"Theo quy định, công dân nộp đơn thì tòa phải thụ lý. Nhiều khi sáng xử án hình sự, chiều xử lao động như vậy nên mức độ tập trung không cao. Chưa kể, nhiều trường hợp thẩm phán hết nhiệm kỳ trong khi đang tiến hành chuẩn bị xét xử một vụ án lao động, trong thời gian chờ bổ nhiệm lại. Tình huống như vậy không thể rút hồ sơ để phân công cho người mới vì sẽ làm xáo trộn tiến trình tố tụng và mất nhiều thời gian do phải làm lại từ đầu. Trong khi đó, thời điểm được bổ nhiệm lại thì không biết rõ nên cứ phải chờ" - vị chánh án lý giải.
Theo luật sư Nam Giao (Công ty Luật Nam Giao), nhiều trường hợp trong quá trình xét xử, một trong hai bên có đơn phản tố làm phát sinh thêm các tình tiết, thủ tục mới cũng góp phần kéo dài thời gian tố tụng. Bên cạnh đó, nhiều đơn kiện rơi vào lúc tòa án kiểm tra hồ sơ định kỳ cũng có thể làm mất thêm thời gian chuẩn bị xét xử.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng các vụ án lao động càng kéo dài, người lao động càng thiệt thòi vì đặc điểm cơ bản là phải tìm việc mới và phải đi làm thường xuyên nên khó có thể theo đuổi vụ kiện. Nhiều trường hợp người lao động chọn ngừng việc tập thể thay vì khởi kiện vì ngừng việc thì được giải quyết ngay, còn đi kiện thì không biết đến bao giờ.
"Trước đây, tổ chức Công đoàn từng nêu ý kiến nên có quy chế riêng cho án lao động để phù hợp với đặc điểm của loại án này theo tinh thần giải quyết nhanh gọn. Nhiều vụ việc có đủ chứng cứ, giá trị thấp, đơn giản thì có thể xử nhanh gọn luôn cho tiện các bên. Việc gì có thể rút gọn được thì rút gọn bớt. Hiện quy định về tố tụng lao động nằm rải rác trong nhiều quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, trong khi tố tụng lao động có những đặc thù riêng. Nếu làm chung với tố tụng dân sự thì sẽ kéo theo hàng loạt thủ tục, quy trình khiến các vụ án kéo dài nhiều tháng, thậm chí hàng năm, rất phiền phức cho các bên. Chưa kể, không như các quan hệ dân sự khác, trong quan hệ lao động, người lao động luôn nằm trong thế yếu hơn nên nhiều trường hợp thiếu các chứng cứ cần thiết để bảo vệ mình" - ông Triều đánh giá.
Bình luận (0)