Trong bản án lao động phúc thẩm số 231/2017/LĐ-PT của TAND TP HCM, xử vụ kiện của một người lao động nghèo, bệnh tật tranh chấp BHXH với công ty, đầu tiên bản án này bắt lỗi bản án sơ thẩm số 113/2016/LĐ-ST của TAND quận Tân Phú ghi sai tên bị đơn là "Công ty TNHH L.N" thành "Công ty TNHH DV L.N".
Vì vậy án phúc thẩm đề nghị tòa cấp sơ thẩm cần phải nghiêm túc "rút kinh nghiệm". Nhưng chỉ vừa rút kinh nghiệm cấp sơ thẩm xong, đến lượt mình, chính bản án phúc thẩm lại ghi sai tên của nhân chứng quan trọng xuất hiện trong phiên xét xử từ họ "Võ" thành họ "Nguyễn". Chưa hết, khi đọc lời khai của mình trong bản án, chính nhân chứng cũng ngỡ ngàng vì nó không hoàn toàn đúng là những gì người này đã khai tại tòa.
Cán bộ chuyên trách LĐLĐ quân Gò Vấp, TP HCM (bìa trái), ghi nhận khiếu nại của công nhân Công ty Jakovi
Người dân chỉ tìm đến tòa án khi họ đã dùng mọi cách mà không thể tự giải quyết vấn đề của mình; đặc biệt là những người yếu thế vì họ thiếu năng lực để tự bảo vệ. Nhân danh quyền lực nhà nước và trên cả là công lý, bản án phải tuyệt đối chính xác để thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp. Mỗi sai sót dù chỉ là lỗi chính tả đều làm mất giá trị, mất sự uy nghi và cùng với đó là lòng tin của người dân vào pháp luật bị giảm sút, chưa kể có thể làm sai lệch nội dung vụ việc.
Cách đây không lâu, tôi gặp một người đàn bà chạy chợ ở huyện Hóc Môn, TP HCM. Bà khiếu nại đòi quyền lợi cho con trai bị tai nạn lao động. Trong nhiều lần làm việc với công an và các cơ quan chức năng, bà không dám ký vào các biên bản làm việc vì cho rằng vẫn còn nhiều điểm sai sót. Thoạt nhìn thì bà có phần cố chấp nhưng bà nói rằng do mình sợ phải lâm vào tình cảnh "bút sa gà chết" rồi thiệt thòi về sau.
Kể ra như vậy để thấy một người dân ít học nhưng cũng ý thức được trách nhiệm của mình trước từng con chữ, lời khai. Thế thì TAND, nơi đại diện cho công lý, nơi mà mọi thứ đòi hỏi phải tuyệt đối chính xác thì không thể chấp nhận việc người ta vô tư sai sót rồi sau đó vẫn hồn nhiên như không…
Bình luận (0)