Chiều 2-7, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Hội nghị thu kinh phí Công đoàn (CĐ) 2% khu vực sản xuất kinh doanh qua 1 tài khoản trung gian và cấp trả tự động tới các cấp CĐ.
Thuận lợi cho cơ sở
Ông Phan Văn Anh, Trưởng Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết đây là phương thức thu kinh phí CĐ mới thay thế phương thức thu trước đây của tổ chức CĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lựa chọn VietinBank là đối tác xây dựng phần mềm theo quy chế phối hợp mà hai bên đã ký kết trước đó vào năm 2016.
Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ mở 1 tài khoản tại VietinBank để nhận phần kinh phí CĐ do doanh nghiệp (DN) đóng về 1 tài khoản trung gian của tổ chức CĐ. Từ đó, thông qua phần mềm, sẽ thực hiện cấp trả tự động kinh phí, cũng như báo cáo tự động số thu, nộp cho 4 cấp CĐ trong vòng 24 giờ, kể từ khi tài khoản trung gian này nhận được kinh phí CĐ do DN đóng. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện việc thu kinh phí CĐ qua một tài khoản, đến ngày 29-6, có 81/83 đơn vị đầu mối là các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương đã kê khai số liệu theo mẫu biểu quy định (2 đơn vị chưa thực hiện là đơn vị đặc thù: CĐ Công an Nhân dân và CĐ Quốc phòng); có 75/83 đơn vị đã cập nhật dữ liệu vào phần mềm; có 20.724 giao dịch thực hiện chuyển kinh phí về tài khoản trung gian của tổ chức CĐ, với tổng số tiền kinh phí CĐ các DN đóng về tài khoản trung gian của tổ chức CĐ là 751,5 tỉ đồng.
Tham luận tại hội nghị, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết hiện DN có trên 67.000 lao động. Kể từ khi có quy định nộp kinh phí CĐ 2%, DN luôn thực hiện đầy đủ cho CĐ cấp trên cơ sở. Bắt đầu từ ngày 1-1-2018, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam đã thực hiện chuyển toàn bộ kinh phí CĐ về 1 tài khoản trung gian của tổ chức CĐ tại VietinBank. Nói về khó khăn, thuận lợi, ông Củ Phát Nghiệp cho biết trước đây, hằng tháng DN phải đóng kinh phí CĐ về CĐ quận. Một thời gian sau, CĐ quận chuyển thông tin về là đã nhận được kinh phí mà công ty đã đóng. Sau đó hướng dẫn CĐ cơ sở làm công văn để xin duyệt kinh phí trích lại cho CĐ cơ sở. Tuy nhiên, ông Nghiệp cho biết kể từ ngày 1-1-2018 đến nay không còn phụ thuộc như trước. Sau khi DN chuyển kinh phí CĐ về 1 tài khoản trung gian của tổ chức CĐ tại VietinBank, trong vòng 24 giờ VietinBank sẽ báo kết quả cũng như chuyển trả lại kinh phí mà CĐ cơ sở được thụ hưởng theo quy định. Với mức đóng kinh phí CĐ bình quân khoảng 8,6 tỉ đồng/tháng thì sau 24 giờ, tài khoản của CĐ công ty đã nhận được lại trên 5,8 tỉ đồng/tháng - ông nói. Còn khó khăn, ông Củ Phát Nghiệp cho rằng VietinBank không phục vụ ngày thứ bảy, nếu muốn giao dịch phải thực hiện từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần. Một số CĐ cơ sở ở xa các điểm giao dịch của VietinBank nên gây khó khăn khi đi lại.
Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, khẳng định việc triển khai nộp kinh phí CĐ qua tài 1 tài khoản trung gian là hợp lý. "Tuy nhiên sau 6 tháng triển khai, có những trục trặc trong thủ tục mở tài khoản, do đội ngũ cán bộ kế toán CĐ đa số là kiêm nhiệm nên nghiệp vụ kế toán hạn chế; ngoài ra, thời gian nghiên cứu phần mềm mới chưa nhiều" - ông Tẫn nói.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc thu kinh phí Công đoàn qua tài khoản trung gian và cấp trả tự động tạo thuận lợi nhiều hơn cho Công đoàn trong công tác chăm lo cho người lao động. Ảnh: KHÁNH AN
Vẫn còn ý kiến phản đối
Trả lời câu hỏi vì sao vẫn còn ý kiến phản đối thu kinh phí CĐ qua tài khoản trung gian? Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Bùi Văn Cường cho rằng có 3 nguyên nhân cơ bản.
Thứ nhất, là do chủ DN biết theo quy định, CĐ cơ sở ở DN được giữ lại 68% tổng số kinh phí CĐ phải đóng. Do đó, chủ DN muốn chỉ đóng 32% tổng số kinh phí CĐ lên trên, giữ lại 68% để "điều phối" cơ chế xin - cho với chủ tịch CĐ ở DN. "Ý tứ là ông CĐ muốn làm gì thì phải xin tôi. Nhưng nếu tiến hành nộp qua tài khoản trung gian 100% thì ngay lập tức 68% trong số này sẽ chảy thẳng về tài khoản của CĐ cơ sở và từ đó chi theo quy định của tài chính CĐ, chứ không bị ai điều phối" - ông Cường nói. Lý do thứ hai, theo ông Cường, một bộ phận cán bộ CĐ thấy đây là phương thức mới, nhất là cán bộ CĐ lớn tuổi, ngại phải thay đổi nên không muốn tham gia. Lý do cuối cùng là "nếu giữ được nguồn kinh phí phải đóng, trong thời gian chưa nộp, mang gửi chỗ A, chỗ B để lấy tiền lãi, 6 tháng sau mới mang số tiền phải đóng nộp lên trên. Nhưng giờ phải nộp theo phương thức mới, mất đi cái này, thế là phản đối" - ông Cường nêu.
Theo ông Cường, phần mềm thu kinh phí CĐ đã vận hành tốt, thực hiện cấp trả tự động trong vòng 24 giờ cho các cấp CĐ, cũng như xuất dữ liệu báo cáo đúng yêu cầu. Ngoài ra, việc thu kinh phí CĐ theo phương thức mới sẽ giúp cho các cấp CĐ theo dõi quản lý được tình hình đóng kinh phí CĐ của các đối tượng là DN ngoài nhà nước được kịp thời, từ đó sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong công tác đôn đốc cũng như tiến hành khởi kiện đối với những DN chậm đóng kinh phí CĐ hoặc chây ì không đóng kinh phí CĐ theo Luật CĐ và Nghị định của Chính phủ.
"Phần mềm thu kinh phí CĐ giúp tổ chức CĐ công khai, minh bạch, quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính CĐ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII" - ông Bùi Văn Cường khẳng định.
Bình luận (0)