Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang chú trọng đào tạo nghề cho học viên, người lao động với các ngành nghề trọng điểm, trong đó có một số ngành đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế và ASEAN. Nhờ đó, rộng mở cánh cửa nghề nghiệp cho học viên, sinh viên khi ra trường, giúp họ từng bước nâng cao tay nghề, đem lại thu nhập cao.
Cải thiện tay nghề, thu nhập
Anh Nguyễn Mậu Chương (SN 1994; ngụ phường Nam Lý, TP Đồng Hới) tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn tại Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9. Ra trường, anh Chương được nhận vào làm đầu bếp tại các khách sạn lớn như: Mường Thanh Hà Tĩnh, Mường Thanh Quảng Bình nhưng thu nhập chỉ ở mức đủ sống, ít khi dư dả.
Năm 2020, anh Chương quyết định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đức. Có tay nghề, anh được nhận vào làm việc tại một nhà hàng Việt ở TP Munich, chuyên nấu các món ăn Việt phục vụ thực khách người Việt và người nước ngoài tại Đức. Anh Chương chia sẻ khâu làm thủ tục xuất cảnh tương đối dễ dàng bởi tấm bằng tốt nghiệp ngành kỹ thuật chế biến món ăn được Đại sứ quán Đức công nhận là hợp pháp không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài. Mức thu nhập hằng tháng của anh cao gấp nhiều lần khi làm việc tại Việt Nam khiến anh hài lòng với công việc hiện tại. "May mắn là tấm bằng tốt nghiệp của tôi đạt chuẩn, cùng kinh nghiệm làm việc ở các khách sạn lớn tại Việt Nam nên công việc không gặp nhiều trở ngại. Trong quá trình đào tạo 2 năm với bộ giáo án chuẩn chuyên môn, phù hợp với đối tượng học viên và sự truyền đạt nhiệt huyết của các thầy cô, bản thân tôi cũng như các học viên khác vừa trang bị kiến thức vừa tích lũy được kinh nghiệm để ra trường là có thể làm nghề thành thạo" - anh Chương tâm sự.
Người lao động học nghề tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình trước khi ra nước ngoài làm việc
Tương tự là trường hợp anh Nguyễn Văn Học (SN 1988, ngụ huyện Bố Trạch). Sau nhiều năm bôn ba khắp các tỉnh, thành miền Nam để mưu sinh, anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp nhưng loay hoay mãi chẳng biết bắt đầu từ đâu. Năm 2017, anh Học quyết định đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình xin tư vấn, hướng dẫn XKLĐ. Tại đây, anh đã được đào tạo ngoại ngữ và những kỹ năng cơ bản trước khi sang Hàn Quốc làm nghề cơ khí. Sau 4 năm ra nước ngoài làm việc, anh đã tích lũy được gần 2 tỉ đồng. Trở về quê hương, có sẵn vốn trong tay, anh Học đầu tư xây dựng một xưởng cơ khí lớn, giải quyết việc làm cho 5 lao động thường xuyên ở quê nhà. "Nhờ được đào tạo nghề và XKLĐ, tôi mới có cuộc sống như ngày nay. Các bạn trẻ nên mạnh dạn chọn một nghề mà bản thân thấy phù hợp rồi ra nước ngoài làm việc ít nhất 3-5 năm. Khi có vốn liếng, kinh nghiệm rồi trở về quê hương, bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, làm giàu hơn" - anh Học tâm sự.
Đào tạo chuẩn quốc tế
Ông Nguyễn Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch - Công nghệ số 9, cho biết trong các ngành nghề của trường thì ngành kỹ thuật chế biến món ăn được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định đưa vào danh mục ngành trọng điểm, đào tạo theo chuẩn quốc tế. Đây cũng là một trong những ngành học thu hút đông học viên nhất của trường, số học viên ra trường có việc làm chiếm tỉ lệ cao nhất; đặc biệt là ngành đào tạo theo chuẩn quốc tế nên cơ hội việc làm của học viên tại nước ngoài cũng rộng mở hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Lượng, chỉ riêng năm 2021, đã có hàng chục học viên tốt nghiệp ngành này đi làm việc tại các nhà hàng, khách sạn ở nước ngoài, chủ yếu là tại Đức và một số nước châu Âu. "Chương trình đào tạo chú trọng cả các món Âu, món Á với 70% thời gian thực hành. Ngoài ra, trong quá trình học, học viên được tạo điều kiện để đi thực tế, làm thêm tại các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn nên khi ra trường, các em không còn bỡ ngỡ. Cơ hội việc làm vì thế cũng rộng mở hơn" - ông Lượng nói.
Trong khi đó, ông Hồ Thanh Vân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình, cho biết việc nâng cao nhận thức, định hướng nghề nghiệp và việc làm cho đoàn viên, thanh niên, người lao động là nhiệm vụ trọng tâm và trung tâm luôn chủ động tiếp cận với lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ, để tuyển dụng, đào tạo một cách bài bản. Hằng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên tỉnh Quảng Bình đã duy trì khai thác thông tin tuyển dụng lao động qua 215 kênh doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp XKLĐ; cung ứng thông tin thị trường lao động cho 145 doanh nghiệp.
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trung tâm đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp, việc làm cho hơn 184.270 lượt đoàn viên, thanh niên, người lao động và học sinh, sinh viên các trường THPT, đại học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; tổ chức và liên kết tổ chức 82 lớp dạy nghề cho 3.107 lao động tham gia chương trình XKLĐ trước khi xuất cảnh... 100% học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề đều được trung tâm giới thiệu cho các doanh nghiệp trong tỉnh hoặc tham gia chương trình XKLĐ. Các ngành đào tạo, giới thiệu việc làm thường xuyên cung ứng XKLĐ gồm: thuyền viên tàu cá, xây dựng, cơ khí, điện tử và lao động phổ thông tại các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Ba Lan, Trung Đông...
Cần chiến lược dài hơi
Theo các trường chuyên đào tạo nghề tại Quảng Bình, hiện có 2 ngành được tập trung đầu tư theo chuẩn quốc tế, 6 ngành chuẩn ASEAN và 13 ngành theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này là cả một "chiến lược dài hơi" và đầy gian nan. Ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Quảng Bình, cho biết khi đầu tư vào các ngành nghề trọng điểm, khó nhất vẫn là các ngành học theo chuẩn quốc tế bởi đòi hỏi chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, thiết bị phải đạt chuẩn quốc tế. Tiếp đến là đội ngũ giáo viên cũng phải đạt chuẩn với 75% chương trình dạy nghề bằng tiếng Anh, đầu ra của học viên cũng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn quốc tế. "Tuy nhiên, muốn vậy thì ngoài nguồn lực, cần phải có kinh phí để hoạt động. Trong khi đó, hầu hết các trường nghề hiện nay đều phải tự chủ tài chính nên đã khó lại càng khó khăn hơn" - ông Đồng khẳng định.
Bình luận (0)