Trong các buổi tiếp xúc, làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản gần đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục cải tiến, mở rộng các chương trình tiếp nhận thực tập sinh (TTS), lao động kỹ năng đặc định (KNĐĐ)...
Tiềm năng lớn
Trong đó, đề nghị Nhật Bản xem xét mở rộng ngành nghề tiếp nhận TTS Việt Nam trong các lĩnh vực như: phục vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe, dịch vụ, bảo dưỡng trong ngành đường sắt đô thị và tàu cao tốc, thi công, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị... Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những ngành nghề này người lao động (NLĐ) Việt Nam nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng nếu qua đào tạo bài bản.
Nhật Bản chính thức mở cửa đón du khách quốc tế từ ngày 11-10 vừa qua với quyết tâm phục hồi ngành du lịch sau hơn 2 năm đóng cửa vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ có thể cản trở kỳ vọng của Nhật Bản bởi tình trạng thiếu nhân lực khách sạn, nhà hàng và cả nhân viên bán hàng tại các của hàng lưu niệm. Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Teikoku Databank (Nhật Bản) cho thấy gần 73% khách sạn ở Nhật Bản thiếu lao động thường xuyên trong tháng 8-2022, tăng 27% so với một năm trước đó.
Những học viên đầu tiên tham gia chương trình đào tạo Omotenashi
Thiếu lao động, Nhật Bản chẳng còn cách nào khác ngoài việc thu hút lao động nước ngoài. Đây chính là cơ hội cho NLĐ khi Nhật Bản tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong thời gian qua. Đại diện Công ty CP đầu tư Xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long (TP Hà Nội), cho biết tiềm năng đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản khối ngành dịch vụ là rất lớn bởi Nhật Bản rất thu hút khách quốc tế.
Trước đại dịch, trung bình mỗi năm Nhật Bản đón hơn 30 triệu du khách nước ngoài ghé thăm. Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long cũng đang thí điểm tuyển hàng chục nữ nhân viên khách sạn, làm việc tại Tokyo, Nhật Bản. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Trưởng Phòng Phát triển nguồn nhân lực công ty, cho biết có nhiều bộ phận tại khách sạn Nhật Bản được phép tuyển lao động nước ngoài như bộ phận buồng phòng, lễ tân, ẩm thực.
Các công việc cụ thể gồm: vệ sinh tòa nhà, lễ tân khách sạn, nhân viên phục vụ, nhân viên buồng phòng, nhân viên đặt phòng, hành lý, giặt ủi. "Với đặc thù công việc liên quan dịch vụ nên NLĐ trước khi xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc trong khách sạn phải được đào tạo kỹ lưỡng. NLĐ sẽ được đào tạo về nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ tiếp khách, dịch vụ nhà hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các nghiệp vụ khách sạn cơ bản khác. Đây cũng là những nội dung thi tuyển nếu NLĐ muốn theo chương trình KNĐĐ" - ông Hiếu cho biết thêm.
Công ty CP Phát triển giáo dục và Nhân lực quốc tế Bình Minh (Hà Nội) cũng đang tuyển 200 lao động đi theo diện KNĐĐ ngành nhà hàng - khách sạn với mức lương khoảng 42 triệu đồng. NLĐ đã từng đi TTS kết thúc hợp đồng 3 năm có chứng chỉ tiếng Nhật N4 trở lên, có chứng chỉ nghề theo ngành nghề nhà hàng - khách sạn mới đủ điều kiện tham gia đơn hàng này. Đại diện công ty cho biết diện lao động KNĐĐ mở ra cho NLĐ cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật Bản với mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt hơn, gần giống như chế độ mà NLĐ Nhật Bản được hưởng. Ngành khách sạn là 1 trong 14 ngành nghề mà NLĐ được tham gia với visa KNĐĐ.
Đào tạo chuyên sâu
Trong nỗ lực đào tạo chuẩn hóa kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho NLĐ làm việc trong ngành dịch vụ trước khi xuất cảnh, một chương trình đào tạo chuyên nghiệp đã ra đời. Đó là chương trình Omotenashi đầu tiên tại Việt Nam chuyên đào tạo văn hóa Nhật Bản cho học viên trước khi đến nước này làm việc trong khối ngành dịch vụ - nhà hàng, khách sạn.
Chương trình đào tạo này đã đi vào hoạt động, khai giảng khóa đầu tiên tại TP HCM. Omotenashi là kết quả của sự hợp tác giữa Công ty TOA Global Association Vietnam (TGA) và Esuhai Group (cùng tại quận Tân Bình, TP HCM) - công ty đào tạo và phái cử lao động Việt Nam nhằm đào tạo chuyên môn và tiếng Nhật theo nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) tiếp nhận lao động tại Nhật Bản.
Ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group, cho biết Omotenashi là nét độc đáo trong văn hóa dịch vụ của xứ sở hoa anh đào. Chính văn hóa này đã giúp Nhật Bản trở nên nổi tiếng trong cách làm dịch vụ chu đáo, tỉ mỉ, nhiệt tình và chân thành. Các quy định và phong cách làm việc trong các DN Nhật Bản cũng được xây dựng dựa trên nền tảng cốt lõi của văn hóa này. Hiện Omotenashi đã trở thành tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng dịch vụ hàng đầu của đất nước mặt trời mọc.
"Chúng tôi kỳ vọng chương trình Omotenashi sẽ giúp học viên tham gia chương trình phái cử lao động sang Nhật Bản có một nền tảng chuyên sâu về văn hóa dịch vụ hàng đầu thế giới của người Nhật. Từ đó, các bạn trẻ sẽ được làm việc thực tế để trải nghiệm và lĩnh hội nét văn hóa tuyệt vời đó. Sau này, các bạn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển ngành dịch vụ của Việt Nam" - ông Sơn nói.
Ngành dịch vụ có điểm chung là đem đến sự hài lòng cho khách hàng, mang lại doanh thu cao cho khách sạn - nhà hàng. Ở mỗi một vị trí, cấp bậc, bộ phận khác nhau sẽ yêu cầu công việc và kỹ năng cụ thể. Do đó, trong quá trình ứng tuyển, NLĐ cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ công việc để xem có phù hợp hay không".
Ông LÊ LONG SƠN, Tổng Giám đốc Esuhai Group
Bình luận (0)