"Để xảy ra ngừng việc trước tiên là lỗi của ban giám đốc khi chưa giải quyết thấu đáo kiến nghị của anh em công nhân (CN), từ đó dẫn đến bức xúc không đáng có. Là người đứng đầu doanh nghiệp (DN), tôi nhận trách nhiệm và cam kết sẽ khôi phục đầy đủ quyền lợi cho anh em". Đó là chia sẻ thẳng thắn của ông Q.C.Y, giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài (chuyên gia công quần áo xuất khẩu tại TP HCM), tại hội nghị đối thoại định kỳ với tập thể lao động mới đây.
Sai thì phải sửa
Bức xúc của tập thể CN khởi nguồn từ việc trong kỳ lương tháng 2-2020, công ty đã đột ngột cắt thưởng chuyên cần và năng suất mà không có lời giải thích rõ ràng. Khi một số CN phản ứng thì được bộ phận tiền lương giải thích do các chuyền để xảy ra tình trạng lỗi sản phẩm quá nhiều và điều này đã khiến nhiều đơn hàng bị đối tác trả về, gây thiệt hại cho DN. Không hài lòng với cách giải thích trên, đặc biệt là khi thu nhập bị giảm sút, toàn bộ CN ở chuyền 2 đã ngừng việc.
Từ phản ánh của Công đoàn (CĐ) cơ sở, lãnh đạo DN yêu cầu tổ chức ngay một buổi đối thoại với toàn thể CN. Sau khi nghe đại diện các chuyền trình bày và đối chiếu với dữ liệu do bộ phận KCS cung cấp, lãnh đạo DN thẳng thắn chỉ ra lỗi thuộc về bộ phận nhân sự tiền lương và các bộ phận có liên quan khi không đánh giá đúng nguyên nhân dẫn đến tình trạng lỗi sản phẩm, từ đó tùy tiện cắt các khoản phụ cấp của người lao động (NLĐ). Thực tế, do áp lực về sản lượng và thời gian giao hàng, một bộ phận không nhỏ CN ở các chuyền 1, 3 và 4 đã cố tình làm dối, dẫn đến sản phẩm không đạt chất lượng. Thay vì tìm hiểu để xác định trách nhiệm từng chuyền, bộ phận nhân sự tiền lương lại "vơ đũa cả nắm" và cắt hết 2 khoản phụ cấp nói trên của toàn bộ CN.
Ngay tại buổi đối thoại, theo yêu cầu của ban giám đốc, bộ phận nhân sự tiền lương đã phải xin lỗi CN ở chuyền 2 và truy trả các khoản phụ cấp mà họ lẽ ra phải được hưởng. Cách tiếp cận vụ việc và giải quyết hợp lý hợp tình của ban giám đốc đã hóa giải bức xúc của NLĐ.
Mâu thuẫn trong điều hành quản lý giữa các thành viên trong HĐQT tại một công ty CP có tiếng tại TP HCM cách đây vài năm cũng khiến quan hệ lao động tại DN này rơi vào bất ổn. Nguyên nhân là khi gặp khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, phân nửa số thành viên HĐQT đề nghị cắt một số khoản phụ cấp để giảm gánh nặng trả lương và trích nộp BHXH cho NLĐ. Cho rằng việc này đi ngược lại với cam kết trong thỏa ước lao động tập thể, đã có ý kiến đề nghị không nên thực hiện để tránh tạo cú sốc tâm lý cho CN. Thế nhưng, chủ tịch HĐQT công ty vẫn nhất quyết triển khai và điều này khiến tập thể CN bất bình. Trước tình thế ấy, CĐ cơ sở đứng ra tổ chức một buổi đối thoại giữa HĐQT và tập thể CN để tìm hướng giải quyết vụ việc. Từ những góp ý xác đáng của CĐ cơ sở, một số thành viên HĐQT thừa nhận đã nóng vội trong cách hành xử và rút lại chủ trương trái luật.
Ứng xử có trách nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp ổn định quan hệ lao động
Tăng cường đối thoại
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, tiền lương và chế độ đãi ngộ thấp, nhất là thái độ ứng xử với NLĐ không đúng mực của người sử dụng lao động (NSDLĐ) là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngừng việc tập thể. Thực tế này cho thấy việc tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc để nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của NLĐ chính là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn mầm mống đình công, tranh chấp.
Từ thực tiễn tại đơn vị, ông Nguyễn Quang Duẩn, Chủ tịch CĐ Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, góp ý: "Quy chế đối thoại cần xác định cụ thể nguyên tắc và nội dung đối thoại. Theo đó, lãnh đạo DN sẽ chủ trì, phối hợp với ban chấp hành CĐ cơ sở thực hiện đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 1 lần/tháng để trao đổi, thảo luận các nội dung như tình hình sản xuất - kinh doanh, việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, điều kiện làm việc; yêu cầu của tập thể lao động đối với NSDLĐ; yêu cầu của NSDLĐ với NLĐ cũng như các nội dung khác mà hai bên quan tâm". Tại Công ty CP Thiết bị Giáo dục Minh Đức, chính nhờ quy chế đối thoại được xây dựng bài bản và tinh thần cầu thị của ban giám đốc mà các kiến nghị hợp pháp, chính đáng của NLĐ đều được giải quyết ổn thỏa.
Còn theo ông Lê Trần Thanh Hải - Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Triple Việt Nam (huyện Củ Chi, TP HCM), va chạm trong quan hệ lao động là điều khó tránh khỏi, do vậy cả NSDLĐ và NLĐ cần có thiện chí hợp tác để hóa giải vướng mắc giữa hai phía. Tại Công ty Triple Việt Nam, sau những bất ổn trong quan hệ lao động, ban giám đốc đã xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với CĐ. Những vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động đều được hai bên giải quyết ổn thỏa thông qua đối thoại. "Thông qua CĐ, NSDLĐ có thể hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, từ đó chia sẻ trách nhiệm trong việc hóa giải bức xúc của họ" - ông Hải nhận định.
Bình luận (0)