Các nhà quản lý, chuyên gia về giáo dục nghề nghiệp đã cùng thảo luận về "Chương trình 9+, hướng đi mới lập nghiệp 4.0" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vừa tổ chức.
Ông Đỗ Văn Giang, Vụ phó Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho rằng hình thức "học nước rút", nghĩa là học sinh tốt nghiệp THCS và theo học trung cấp là phương án học tập hiệu quả đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới với thời gian học ngắn, tiết kiệm chi phí học tập. Từ năm 2018, Bộ LĐ-TB-XH đã khuyến khích các trường nghề xây dựng chương trình, tuyển sinh và đào tạo theo chương trình 9+.
Các chuyên gia đánh giá, Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1-7-2020) có những điều khoản tác động đến công tác hướng nghiệp, phân luồng và liên thông trong giáo dục. Trong đó, mở đường cho học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn.
"Thực tế mô hình 9+ đã từng triển khai từ những năm 1980 với tên gọi trung học nghề, nhưng sau đó trầm lắng xuống. Khoảng 5 năm trở lại đây, mô hình 9+ đang tái khởi động lại nhằm định hướng phân luồng ngay từ THCS. Hiện một số mô hình triển khai trong thời gian qua đã thành công và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới", ông Giang nói.
Hình thức "học nước rút" này khiến cơ hội việc làm rộng mở hơn
Đối với học sinh, việc lựa chọn mô hình 9+ là một trong những con đường ngắn và phù hợp với năng lực nhiều em để có một nghề nghiệp và thu nhập ổn định. Thay vì mất thêm 3 năm theo học PTTH, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp, cao đẳng và sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, các em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này.
Ông Lê Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng Trường Trung cấp Công nghệ Thăng Long cho biết năm nay, nhà trường mở mô hình 9+ chuyên ngữ theo xu hướng phụ huynh, học sinh đang rất quan tâm đến ngoại ngữ gắn với nghề. Theo đó, học sinh học 7 môn văn hóa bắt buộc để có thể thi tốt nghiệp THPT quốc gia, học sinh lựa chọn 5 nghề: Tin học ứng dụng; kế toán doanh nghiệp; nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn; chăm sóc sắc đẹp và ngoại ngữ sẽ xoay quay chuyên ngành này.
Hiện nay, một số trường trung cấp, cao đẳng của hệ thống GDNN đang thí điểm tuyển sinh và đào tạo học sinh hoàn thành bậc THCS (thường được gọi là mô hình 9+). Đây được xem như một giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS; THPT phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng cao.
Hiện Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng Đề án trình Chính phủ để thực hiện đào tạo trình độ cao đẳng cho học sinh sau tốt nghiệp THCS.
Bình luận (0)