Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, BHXH Việt Nam xác định rõ các mục tiêu bảo đảm quyền lợi cho người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN), thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện bao phủ, giữ vững "trụ đỡ" của hệ thống an sinh xã hội.
Hơn 11,2 triệu lao động được hỗ trợ
BHXH Việt Nam cho biết tính đến đầu tháng 8, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động. Trong số này, hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); hơn 85 triệu người tham gia BHYT (đạt tỉ lệ bao phủ hơn 87% dân số). Đến nay, tổng số thu BHXH là 224.529 tỉ đồng, đạt 56,18% kế hoạch, trong khi đó tổng số nợ là 21.358 tỉ đồng, chiếm 5,34% so với số phải thu.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều DN lao đao, tỉ lệ NLĐ thất nghiệp gia tăng thì chính sách BHTN đã trở thành điểm tựa giúp bảo đảm phần nào đời sống của một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội đất nước. Riêng trong tháng 7-2021, BHXH các địa phương đã phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội giải quyết cho 80.021 người hưởng BHTN, trong đó có 79.087 người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 934 người hưởng chế độ học nghề. Ngoài ra, hơn 8,3 triệu lượt người đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT và được quỹ BHYT chi phí lên tới 6.423 tỉ đồng. Để kịp thời các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, người sử dụng lao động (NSDLĐ), các cơ sở KCB và người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 BHXH Việt Nam đã điều chỉnh mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (giảm từ mức đóng 0,5% xuống 0%). Hiện cơ quan BHXH đã rà soát và thực hiện xong việc gửi thông báo cho 375.000 đơn vị sử dụng lao động với hơn 11,2 triệu lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp tháng 7-2021 đến hết tháng 6-2022 với số tiền tạm tính khoảng 4.322 tỉ đồng.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 238 đơn vị với 41.425 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 292,3 tỉ đồng tại 35/63 tỉnh, thành. Trước đó, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng (tháng 7, 8) vào cùng một kỳ chi trả.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, 12 chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã được triển khai một cách nhanh chóng, đạt được kết quả khả quan. Các chính sách này có thể phân thành 3 nhóm lớn: nhóm chính sách về bảo hiểm; nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ; nhóm chính sách cho DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Không phát sinh thêm thủ tục
Ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết với mục tiêu kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho NLĐ, NSDLĐ và cơ sở KCB do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể quy trình, phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, bộ phận trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ.
"BHXH đã tích cực chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành thực hiện phân công lãnh đạo, cán bộ viên chức chủ động liên hệ với các DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để hướng dẫn đơn vị lập hồ sơ; tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định, không để hồ sơ quá hạn; bảo đảm khi nhận được hồ sơ đầy đủ thì thực hiện giải quyết trong thời gian không quá 1 ngày làm việc. Ngoài ra, còn thành lập đoàn công tác do lãnh đạo BHXH Việt Nam làm trưởng đoàn để kiểm tra, phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch Covid-19 tại Hà Nội và 19 tỉnh, thành khu vực phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội… Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung ưu tiên thực hiện trong giai đoạn hiện nay" - ông Liệu nói.
Đặc biệt, để kịp thời hỗ trợ NLĐ và DN làm thủ tục xác nhận tham gia BHXH nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng, BHXH Việt Nam đã áp dụng 6 dịch vụ công và giải quyết trực tuyến những thủ tục này.
Sáu dịch vụ công của gói an sinh lần 2 trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam (dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) gồm: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ DN đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ NLĐ ngừng việc; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Lãnh đạo BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung hỗ trợ DN, NLĐ trong thời điểm khó khăn hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy thị trường lao động. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ, trong đó nhanh chóng hoàn thiện ứng dụng VssID để hỗ trợ người dân và NLĐ...
Nhận định tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và phức tạp, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành triển khai truyền thông cho từng nhóm đối tượng với nội dung, hình thức truyền thông cụ thể, phù hợp với đặc điểm tâm lý, mức thu nhập của nhóm đối tượng để nâng cao nhận thức, vận động, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện đạt hiệu quả, bảo đảm điểm tựa an sinh trong đại dịch.
Hỗ trợ người tham gia BHXH tự nguyện
Trước đó, BHXH Việt Nam đề xuất tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại; tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình từ 30% lên 50%.
Bình luận (0)