Trong những ngày qua, phóng viên Báo Người Lao Động đã theo chân CN ghé thăm các khu chợ chồm hổm sau giờ tan ca. Đặc điểm của các khu chợ này là mọc lên tự phát, thực phẩm được bày bán phần lớn không rõ nguồn gốc và đối tượng phục vụ chính hầu hết là công nhân.
Hàng hóa, thực phẩm (thịt cá, rau củ) tại các khu chợ tạm nói trên được các "tiểu thương" bày biện ngổn ngang trên đường, trên những tấm trải tạm bộ bằng ni lông. Chỗ bán có nơi nằm cạnh bãi rác, cống thoát nước hôi thối. Thực phẩm tươi ngon được "tiểu thương" trộn lẫn với thực phẩm ôi thiu để người mua khó phát hiện ra.
Công nhân KCX Tân Thuận mua thực phẩm tại một chợ tự phát
Vào mỗi kỳ lương của CN (thường từ ngày 5 – 10 hằng tháng), hàng hóa ở chợ tạm rất phong phú, món nào cũng rẻ hơn chợ truyền thống từ vài ngàn thậm chí đến cả vài chục ngàn đồng/món. Do người bán không nói thách, giá cả lại rẻ nên rất nhiều CN ghé mua.
Trái cây được tiểu thương bày biện tạm bợ ngay trên mặt đường
Tiếp xúc chúng tôi, chị Đ.T.T, công nhân của Công ty TNHH ViVa (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), cho biết: "Lương tháng cơ bản của tôi được 4 triệu/tháng, nếu tăng ca thì hơn 5 triệu tùy. Còn thu nhập của chồng tôi cỡ 6 triệu đồng/tháng. Do có con nhỏ nên chi phí sinh hoạt hàng tháng gần như ngốn hết tiền lương của hai vợ chồng, không dư đồng nào".
Rau củ được bày bán tạm bợ trên tấm ni lông với giá bán từ 7.000 -10.000 đồng/đĩa. Ảnh chụp gần KCN Tân Tạo (quận Bình Tân, TP HCM)
Trước lo lắng của chúng tôi về mức độ an toàn của thực phẩm bày bán tại chợ tạm, chị Đ.T.T – cười trừ: "Ai mà không muốn ăn ngon, đảm bảo sức khỏe nhưng thu nhập CN không cho phép. Đồng lương CN ba cọc ba đồng như vầy khiến CN không có nhiều sự lựa chọn".
Nước thải ra ngay những nơi đặt hàng hóa bán
Tương tự, anh Đ đang làm việc tại Công ty TNHH Điên Cơ S.L, chia sẻ: "Tổng thu nhập hàng tháng của tôi được hơn 6 triệu đồng. Hàng tháng, tôi trích 1 triệu đồng gởi về quê cho mẹ, phần còn lại trang trải chi phí sinh hoạt. Tôi còn độc thân nên không phải chi tiêu nhiều, thế nhưng cũng không tích lũy được bao nhiêu. Tháng nào có đám tiệc, ma chay thì coi như viêm túi".
Thịt ôi thiu được bày bán tại chợ tạm gần KCN Tân Tạo
Cũng như chị T, anh Đ biết rất rõ nguy cơ mất an toàn thực phẩm từ các khu chợ tạm nhưng buộc phải chấp nhận vì đồng lương eo hẹp. "Ở đây, CN ai mà chẳng vậy, đi làm về mệt rồi, đụng đâu mua đó cho nhanh, chứ hơi đâu đi siêu thị đi chợ cho xa. Hàng hóa ở chợ giá rẻ và phù hợp thu nhập CN nên tôi mua, còn chất lượng thì… trời kêu ai nấy chịu".
Rau củ không còn tươi xanh được bày bán tại chợ tạm
Hiện nay các khu chợ tự phát mọc lên chủ yếu phục vụ cho khoảng 20 khu công nghiệp, khu chế xuất với hàng nghìn CN làm việc trên địa bàn TPHCM. Cũng chính vì vậy, nhu cầu thực phẩm tại các khu vực tập trung đông này rất cao, cũng vì thế đây cũng là thị trường tiêu thụ các mặt hàng, thực phẩm kém chất lượng màu mở cho Thành phố.
Bình luận (0)