Nhà tôi có quy định không giống ai. Ngày chủ nhật được nghỉ làm, nghỉ học, cả nhà quây quần, lẽ ra phải làm cái gì đó ngon ngon một chút để đãi chồng con thì bà xã tôi lại phán một câu xanh rờn: "Nhà nước cho nghỉ thì phải nghỉ. Vậy nên ngày chủ nhật, nhà ta không được bày biện, ăn uống càng đơn giản càng tốt".
Nàng nói vậy nên 2 thằng con tôi được dịp tung cánh sổ lồng. Ngày chủ nhật là tụi nó mất biệt. Đứa đi đá banh, đứa đi học võ rồi tụ tập với bạn bè cả ngày. Chỉ có mình tôi ở nhà chịu trận. Riết rồi cũng quen.
"Hôm nay, em có món độc cho anh đây" - bà xã ngừng hát, thò đầu vào phòng gọi tôi ra ăn cơm. Tôi biết tỏng món độc của vợ là gì rồi bởi nãy giờ tuy ngồi trong phòng nhưng tôi cũng ngửi thấy mùi cá kho tiêu và canh rau ngót lãng đãng khắp nhà.
Tôi xuống bếp dòm quanh quất. Mâm cơm chỉ có đúng 2 món mà tôi đoán chứ chẳng có món độc nào, chắc chắn là "người đàn bà đẹp" đã lừa tôi rồi. Nhưng tôi chưa kịp hỏi thì vợ đã trả lời: "Của anh nè. Hôm nay em nấu cơm bằng bếp than". À, thì ra nãy giờ còn một mùi khác mà tôi không nhận ra. Đó là mùi cháy khét của than đước. Vợ tôi vừa nói vừa bưng tô nước cơm đặt trước mặt tôi.
Nước cơm gạo mới sền sệt, thơm ngào ngạt. Đây đúng là "món độc" mà mỗi lần có dịp về quê là tôi lại đòi má cho ăn. Ở quê nấu cơm bằng bếp củi, nồi gang nên ngoài giề cơm cháy giòn rụm còn có tô nước cơm với lớp váng dày cộp như miếng bánh tráng ướt. Tôi hay chan nước cá kho lên miếng cơm cháy rồi ăn ngấu nghiến. Ăn hết cơm cháy thì tới cơm nạc, cũng chan nước cá rồi chan thêm nước cơm vào mà "lua". Nhớ hồi đó lần đầu về quê chơi, thấy tôi ăn kiểu này, bà xã kề tai nói nhỏ: "Ăn gì kỳ vậy anh, tanh chết". Tôi nói không tanh bởi cá kho tiêu má ướp nhiều tỏi, ớt; khi kho xong bắc xuống lại rắc tiêu vào nên rất thơm. Bà xã tôi ăn thử và gật gù khen… lạ!
Mà lạ thiệt đó nghen. Khi nhai miếng cơm cháy chan nước cá kho tiêu của vợ, tôi lại thấy hiện lên trước mắt mình dáng má lom khom trong bếp lửa bập bùng. Ai xa quê, xa mẹ chắc cũng có một nỗi niềm như tôi…
Bình luận (0)