Luật sư ĐẶNG ANH ĐỨC, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trả lời: "BHYT đúng tuyến là trường hợp người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh (KCB) đúng với nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu đã đăng ký. Theo điều 26 Luật BHYT 2008, người có thẻ BHYT có thể đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương, trừ trường hợp được đăng ký tại cơ sở KCB tuyến tỉnh hoặc tuyến trung ương theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế.
Tại điều 22 Luật BHYT 2008 quy định người có thẻ BHYT khi đi KCB được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau: 100% chi phí KCB với đối tượng là bộ đội, công an, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc hộ gia đình nghèo; 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến; 95% chi phí KCB với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, thân nhân của người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình cận nghèo; 80% chi phí KCB đối với các đối tượng khác.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Bình luận (0)