Ngày 12-10, tại TP HCM, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp cùng Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo báo cáo nghiên cứu Công ước ILO số 102 về an sinh xã hội (tiêu chuẩn tối thiểu) và đánh giá sơ bộ pháp luật Việt Nam có liên quan".
Theo Nhóm nghiên cứu Vụ Pháp chế- Bộ LĐ-TB-XH, khi so sánh các chế độ trong Công ước 102 với hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy hiện nay nước ta đã thực hiện 9/9 chế độ an sinh xã hội mà Công ước đề cập. Bao gồm: chăm sóc y tế, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp tuổi già, trợ cấp tai nạn lao động, trợ cấp gia đình, trợ cấp thai sản, trợ cấp ốm đau, trợ cấp khuyết tật, trợ cấp tuất. Tuy nhiên, ở mỗi chế độ, Việt Nam thực hiện được ở các mức độ khác nhau, có thể là tuân thủ hoàn toàn hoặc tuân thủ một phần Công ước; có những tiêu chí thực hiện ưu việt hơn những cũng có những chế độ còn có khoảng cách.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo
Chẳng hạn, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp của Việt Nam (60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp) cao hơn so với mức hưởng BHTN quy định tại Công ước (bằng ít nhất 45% tiền lương tháng đóng BHTN), nhưng thời gian chờ đợi hưởng BHTN dài hơn (phải chờ ít nhất 16 ngày, trong khi Công ước 102 quy định tối đa 7 ngày). Hay như chế độ trợ cấp tai nạn lao động, pháp luật Việt Nam đã phù hợp với yêu cầu tối thiểu về các điều kiện hưởng chính sách trợ cấp tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, nhưng chưa đạt yêu cầu về mức hưởng của Công ước (chỉ đạt 26,4% thu nhập trung bình so với tiêu chuẩn của Công ước ít nhất là 50%).
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại sàn giao dịch việc làm do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức
Với mục tiều mở rộng an sinh xã hội theo chiều rộng và chiều sâu, tiến tới việc phê chuấn Công ước, nhóm nghiên cứu khuyến nghị Chính phủ nên tiếp cận từ từ và bắt đầu bằng việc phê chuấn những phần mà pháp luật tuân thủ đầy đủ Công ước hay những phần tuân thủ rộng rãi, có thể thực hiện việc điều chinh trong vòng một năm sau khi phê chuẩn.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình tổng kết, đánh giá Nghị quyết 15-NQ/TW; rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật BHXH 2014, Luật Việc làm 2013, Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, Luật BHYT 2008…việc nghiên cứu, phân tích khoảng cách giữa luật pháp quốc gia và khả năng tương thích với Công ước 102 sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về an sinh xã hội của Việt Nam và đảm bảo quyền an sinh xã hội của người dân.
Bình luận (0)