Thông báo giải thể doanh nghiệp (DN) nhưng mập mờ trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động (NLĐ) mất việc là nguyên nhân gây tranh chấp lao động kéo dài nhiều ngày qua tại Công ty TNHH Vĩ Thái (KCX Tân Thuận; quận 7, TP HCM).
Thiếu minh bạch
Đầu tháng 4-2019, công ty thông báo đến Ban Quản lý các KCX-KCN TP HCM và toàn thể công nhân (CN) về việc giải thể DN vào cuối tháng 5-2019; nguyên nhân do không có người tiếp quản quản lý và đơn hàng ít. Trong thông báo, ông Lin Hua Nan, Tổng Giám đốc công ty, cam kết sẽ báo trước 45 ngày và trả tiền lương, phép năm, BHXH cho CN. Do thông báo không nêu cụ thể thời điểm giải thể cũng như đề cập việc giải quyết quyền lợi cho NLĐ đột ngột bị mất việc nên hơn 200 CN đã ngừng việc tập thể. "Tiền lương, phép năm, BHXH là các khoản công ty đương nhiên phải thanh toán cho chúng tôi dù có giải thể hay không. Trường hợp công ty giải thể, nghĩa là chúng tôi bị chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) trước thời hạn thì công ty phải có phương án bồi thường thỏa đáng chứ không phải chỉ thông báo mập mờ như vậy" - tập thể CN bức xúc.
Trước phản ứng quyết liệt của tập thể NLĐ, công ty mới có thông báo nói rõ sẽ chính thức giải thể vào ngày 31-5-2019. Ngoài tiền lương, tiền phép năm và trợ cấp thôi việc (cho những lao động làm việc trước năm 2009), công ty sẽ hỗ trợ thêm cho mỗi NLĐ 1,5 tháng tiền lương theo HĐLĐ để tìm việc làm mới.
Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, chia sẻ: Việc giải thể DN không chỉ làm phát sinh quan hệ giữa các thành viên trong nội bộ DN mà còn là quan hệ giữa DN với các chủ thể khác, bao gồm: bạn hàng, đối tác, NLĐ và các cơ quan quản lý nhà nước. Quy trình giải thể DN được Luật DN quy định khá rõ, cụ thể, trước tiên DN cần tổ chức họp để thông qua quyết định giải thể. Quyết định giải thể DN phải có các nội dung chủ yếu như: Lý do giải thể; thời hạn, thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ; phương án xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ HĐLĐ… Sau khi thông qua quyết định giải thể, DN phải thông báo cho những người có quyền và lợi ích liên quan đến hoạt động giải thể DN biết về quyết định giải thể. Trường hợp DN còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải gửi kèm theo quyết định giải thể phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan… "Giải thể DN nhưng công ty chỉ ra thông báo với nội dung sơ sài, không đáp ứng đủ các yếu tố theo quy định pháp luật là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp" - ông Phúc nhận định.
Nhầm lẫn tai hại
Cũng vì phớt lờ các quy định pháp luật khi giải thể DN nên mới đây, Công ty TNHH Nhà máy C.T (tỉnh Bình Dương) bị tòa buộc phải bồi thường cho NLĐ gần 94 triệu đồng.
Theo đơn khởi kiện, ông Lê Văn Hoài vào làm CN tại công ty từ năm 2010 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Cuối tháng 10-2016, công ty ra thông báo kết thúc HĐLĐ với ông từ ngày 1-11-2016 với lý do công ty giải thể. Cho rằng bị công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, ông Hoài khởi kiện ra tòa đòi bồi thường.
Trình bày tại tòa, đại diện công ty cho biết do hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên HĐTV đã ra quyết định giải thể nhà máy may mặc vào ngày 25-10-2016. Công ty cũng đã gửi quyết định, biên bản họp của HĐTV đến Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh Bình Dương; niêm yết quyết định giải thể và thông báo chấm dứt HĐLĐ với NLĐ tại cổng xưởng công ty. "Công ty không đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo điều 38 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) mà thực hiện chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 7 điều 36 BLLĐ (DN giải thể) nên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hoài" - đại diện công ty khẳng định.
Tuy nhiên, tòa nhận định tại thời điểm cho NLĐ nghỉ việc (ngày 1-11-2016), công ty chưa thông báo đến cơ quan có thẩm quyền quản lý việc đăng ký kinh doanh, chưa nộp hồ sơ, con dấu theo quy định tại điều 204 Luật DN, chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận việc giải thể theo điều 59 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP nhưng lại tự xác định đã chấm dứt hoạt động để chấm dứt HĐLĐ đang có hiệu lực với NLĐ là vi phạm điều 205 Luật DN. Bên cạnh đó, quyết định giải thể công ty là ý chí đơn phương của chủ DN nên theo quy định tại điều 38 BLLĐ, khi chấm dứt HĐLĐ công ty phải báo trước cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày nhưng công ty đã không tuân thủ đúng.
Do đó, hành vi của công ty là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật nên phải bồi thường cho NLĐ các khoản theo quy định pháp luật.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM:
Ưu tiên thanh toán quyền lợi của người lao động
Khoản 5 điều 202 Luật DN quy định khi giải thể, các khoản nợ của DN được thanh toán theo thứ tự: Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể và HĐLĐ đã ký kết; nợ thuế; các khoản nợ khác. Bên cạnh đó, tại điều 47 BLLĐ cũng quy định trường hợp DN, HTX bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản thì tiền lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của NLĐ theo thỏa ước lao động tập thể và HĐLĐ đã ký kết được ưu tiên thanh toán. Như vậy, trong tình huống xấu nhất là giải thể DN thì quyền lợi của NLĐ phải được ưu tiên giải quyết hàng đầu.
Bình luận (0)