“Người lao động (NLĐ) làm việc 1 tháng, 4 tháng rồi nghỉ hoặc chỉ làm việc bán thời gian nên chúng tôi không thể ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) và tham gia BHXH cho họ được”. Đây là câu trả lời thường gặp của một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ (ăn uống, bảo vệ) khi tiếp nhận đơn, thư khiếu nại của NLĐ do Báo Người Lao Động gửi đến.
Đổ lỗi cho người lao động
Tiếp xúc với chúng tôi, rất nhiều NLĐ làm việc trong lĩnh vực này đều bày tỏ bức xúc khi quyền lợi cơ bản nhất bị DN xâm phạm. Viện lý do NLĐ làm việc thời vụ, nhiều DN đã không giao kết HĐLĐ và không trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho họ. Thực tế, nhiều người trong số họ làm việc thường xuyên và liên tục.
Phản hồi đơn khiếu nại của NLĐ về việc nhiều năm qua không được DN ký HĐLĐ, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng Nhân sự Công ty CP Quốc tế Fujiyama (kinh doanh nhà hàng; quận 4, TP HCM), cho rằng phục vụ nhà hàng là công việc đặc thù, lao động biến động thường xuyên nên rất khó giao kết HĐLĐ, tham gia BHXH cho NLĐ. “Rất khó kiểm soát những NLĐ này bởi phần lớn là sinh viên, học sinh. Nhiều khi tôi còn không biết mặt mũi của họ ra sao nữa chứ đừng nói là ký HĐLĐ” - bà Hằng lý giải.
Cũng với cách giải thích tương tự, ông Trần Quang Huy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Bảo vệ Đại An Ninh 24 (thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), liên tục phân bua khi chúng tôi đề cập việc ký HĐLĐ với nhân viên bảo vệ. “NLĐ làm việc ở các DN cung cấp dịch vụ bảo vệ thường xuyên nhảy việc, thấy nơi nào trả lương cao là sẵn sàng bỏ việc. Dù chúng tôi đã đưa ra nhiều quy định để ràng buộc nhưng họ vẫn nhảy việc thì làm sao ký HĐLĐ?” - ông Huy nói.
Tại TP HCM, nhiều DN còn nại lý do NLĐ không làm việc đủ giờ theo quy định nên không thể giao kết HĐLĐ, điển hình như Công ty Sô Cô Việt Nam (quận 2). Ông Nguyễn Anh Tuấn, quản lý kinh doanh công ty, cho biết có trường hợp NLĐ chỉ làm 2 giờ hoặc 4 giờ/ngày, không đủ 8 giờ theo quy định nên không thể ký HĐLĐ mà chỉ có thể ký hợp đồng cộng tác viên… (!?). Một số DN còn buộc NLĐ ký cam kết là không đóng BHXH. Thậm chí, có DN còn thuyết phục NLĐ không tham gia BHXH.
Tự rước rắc rối
Ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi về hiện tượng lách luật tại các DN.
“Viện lý do NLĐ làm việc không ổn định để né tránh ký HĐLĐ và không tham gia BHXH là cách hành xử thiếu trách nhiệm của DN. Nếu ngay từ đầu, DN ràng buộc với NLĐ bằng HĐLĐ thì sẽ không bao giờ có chuyện họ bỏ việc hoặc nghỉ ngang. Né tránh trách nhiệm với NLĐ, DN đã không lường hết những rắc rối sẽ gặp phải do NLĐ khiếu nại, khởi kiện khi quyền lợi không được bảo đảm” - ông Năm phân tích.
Ở góc độ là cơ quan thu BHXH, ông Nguyễn Quốc Thanh, Trưởng Phòng Quản lý thu BHXH TP HCM, khẳng định trong quá trình kiểm tra thực hiện chính sách tại DN, nếu phát hiện NLĐ làm việc thường xuyên và có tên trong bảng lương liên tục thì cơ quan BHXH sẽ đề nghị DN tham gia BHXH cho họ. Trước đây, khi phát hiện sai phạm, BHXH sẽ đề nghị Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP xử phạt, đồng thời buộc DN phải ký HĐLĐ và đóng BHXH cho NLĐ theo quy định. Hiện nay, theo quy định mới có hiệu lực từ ngày 1-6, cơ quan BHXH sẽ tiến hành xử phạt và buộc DN phải ký HĐLĐ, tham gia BHXH cho NLĐ đầy đủ.
Phải tuân thủ luật
Theo luật sư Cao Thế Luận, Đoàn Luật sư TP HCM, Bộ Luật Hình sự quy định hành vi trốn đóng, chậm đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, DN đừng vì lợi nhỏ trước mắt mà tìm cách né tránh thực hiện nghĩa vụ với NLĐ. “DN tham gia BHXH thì NLĐ được hưởng các quyền lợi cơ bản nhất (thai sản, ốm đau, tai nạn lao động). Ngược lại, nếu DN không thực hiện thì sẽ phải chịu toàn bộ chi phí này. Để tránh những rắc rối không đáng có, cách tốt nhất là DN nên tuân thủ pháp luật” - luật sư Cao Thế Luận nhìn nhận.
Bình luận (0)