Trong đơn khiếu nại gửi đến Báo Người Lao Động, chị Lê Thị Tuyết Minh - ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM - bức xúc: “Tôi thôi việc đã hơn 7 tháng, vậy mà Ban Quản lý (BQL) dự án 8 (huyện Bình Chánh, TP HCM) vẫn không chịu chi trả trợ cấp thôi việc cho tôi. Khi tôi gửi đơn khiếu nại thì việc chi trả bị đẩy qua đẩy lại cho các đơn vị khác…”.
“Chuyền bóng” cho nhau
Chị Minh làm việc tại BQL dự án 7 (quận Bình Thạnh, TP HCM) thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 6-2002. Tháng 7-2013, BQL dự án 7 chuyển về trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và chuyển giao nguyên trạng cho BQL dự án 8. Từ thời điểm đó, 16 CB-CNV, trong đó có chị Minh, nhận quyết định điều động về làm việc tại BQL dự án 8. Tháng 9-2015, chị Minh xin chuyển sang làm việc tại Công ty CP Báo Thanh Niên và được giám đốc BQL dự án 8 chấp thuận, ra quyết định chuyển công tác, quyết định thôi trả lương, chốt trả sổ BHXH nhưng không thanh toán trợ cấp thôi việc.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Phòng Kinh tế - Kế hoạch kiêm phụ trách Văn phòng BQL dự án 8, giải thích: Theo Luật Viên chức, chỉ khi nào người lao động (NLĐ) chấm dứt hợp đồng làm việc thì mới được trả TCTV. Do chị Minh xin chuyển công tác, không phải thôi việc nên TCTV được chuyển tiếp cho đơn vị tiếp nhận để chi trả khi NLĐ nghỉ việc về sau. “Trường hợp Công ty CP Báo Thanh Niên từ chối tiếp nhận việc chi trả thì chúng tôi sẽ đề nghị BQL dự án 7 thanh toán chế độ cho NLĐ bởi từ năm 2002-2008 chị làm việc tại BQL dự án 7” - ông Quỳnh nói.
Tuy nhiên, theo chị Minh, khoản 4, điều 28 Luật Viên chức quy định khi viên chức chuyển công tác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Chính vì vậy, ngày 17-3, Công ty CP Báo Thanh Niên đã có văn bản trả lời không chịu trách nhiệm chi trả TCTV cho chị. Mặt khác, theo BQL dự án 7, khi bàn giao tài chính giữa hai bên, BQL dự án 7 đã chuyển cho BQL dự án 8 hơn 1,6 tỉ đồng dựa theo số CB-CNV. Cho nên BQL dự án 8 có trách nhiệm trích từ số tiền trên để chi trả TCTV cho NLĐ. Dù vậy, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc BQL dự án 8, lại quả quyết số tiền 1,6 tỉ đồng dùng để phục vụ cho các khoản chi khác, không phải để trả TCTV cho NLĐ.
Kiếm đủ cớ để “quỵt”
Việc doanh nghiệp chây ì chi trả quyền lợi chính đáng không chỉ gây bức xúc cho NLĐ mà còn phạm luật. Biết vậy, song hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất chấp, viện đủ lý do để “quỵt” quyền lợi của NLĐ. Anh Phạm Văn Tuân (ngụ tại quận 10, TP HCM) phản ánh: Ngày 9-11-2015, anh ký hợp đồng thử việc tại Công ty CP Thương mại Tam Đại Kim (quận 12, TP HCM) thời hạn 2 tháng với chức danh trưởng phòng hành chính - nhân sự, lương 12 triệu đồng/tháng. Ngày 7-12-2015, do không chịu thu giữ bằng cấp gốc của một nhân viên mới, anh bị ông Phạm Quốc Hùng, tổng giám đốc, cho nghỉ việc. Theo yêu cầu của ông Hùng, anh đã bàn giao, có xác nhận đầy đủ nhưng công ty không trả lương cho anh. Bức xúc, anh tìm tổng giám đốc hỏi cho ra lẽ thì bị đuổi về.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hùng viện cớ anh Tuân tự ý bỏ việc, không bàn giao nên công ty không trả lương. Song khi chúng tôi đề cập biên bản bàn giao anh Tuân cung cấp, ông Hùng đổi giọng: “Tôi không có thời gian giải quyết chuyện nhỏ nhặt này, để trợ lý của tôi trả lời”. Khi chúng tôi yêu cầu ông ủy quyền cho trợ lý trả lời thì ông nổi đóa: “Tôi không có thời gian cho mấy việc vớ vẩn đấy nhé, báo chí muốn làm gì thì làm”.
Trường hợp chị Trịnh Bích Nga, nhân viên kế toán Công ty I&L (Đồng Nai), cũng vậy. Ngày 15-1-2016, chị nhận được quyết định nghỉ việc và yêu cầu bàn giao công việc trong ngày. Thế nhưng đến hết tháng 2, công ty vẫn không bố trí người tiếp nhận và thanh toán lương cho chị. Sốt ruột, chị Nga làm đơn yêu cầu công ty giải quyết tiền lương thì được trả lời sẽ thanh toán sau khi bàn giao công việc song đến thời điểm này vẫn chưa có người tiếp nhận bàn giao. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Vân Anh, trợ lý giám đốc, giải thích: “Là kế toán, chị Nga quản lý nhiều sổ sách, chứng từ quan trọng, khi chưa bàn giao xong thì không thể thanh toán tiền lương được. Lỡ trả lương rồi chị Nga phớt lờ chuyện bàn giao thì sao?”.
Có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, cho rằng những hành vi trên là vi phạm pháp luật, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi của NLĐ. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, NLĐ nên khởi kiện ra tòa. Với hành vi này, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền đến 20 triệu đồng.
Bình luận (0)